Dịch Covid-19 đã gây khó khăn trong tiêu thụ nông sản, các sản phẩm OCOP của tỉnh. Do vậy, không chỉ doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất mà các ban, ngành, sở của tỉnh đã, đang nỗ lực ứng dụng công nghệ số đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (TMĐT). Đây là giải pháp hữu hiệu để để quảng bá thương hiệu, giới thiệu và đẩy mạnh phân phối, tiêu thụ hàng hóa, nhất là các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của địa phương…
Đưa sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng
Nỗ lực xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP đã khó, để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng còn khó hơn, nhất là các sản phẩm cùng chủng loại. Vì vậy, năm 2021, ngay sau khi sản phẩm miến đao của HTX Sản xuất, kinh doanh miến đao Giới Phiên, thành phố Yên Bái được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP hạng 4 sao, HTX đã nỗ lực xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng thông qua các sàn TMĐT như: Shopee, Postmart.vn, Voso.vn, Sendo. Nhờ đó, sản lượng tiêu thụ ngày càng tăng, chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay đạt trên 40 tấn.
Bà Phạm Thị Thu Hà – Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh miến đao Giới Phiên cho biết: “Đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT đã giúp HTX mở rộng được thị trường hơn. Sàn TMĐT được xem là kênh quảng bá thương hiệu sản phẩm, vì khách mới luôn tìm kiếm sản phẩm trên các sàn TMĐT nhưng sau một lần mua thì khách hàng tự động liên hệ trực tiếp với mình để giao dịch”.
Công ty TNHH Trà thảo mộc Quế Phát, huyện Văn Yên hiện có 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao gồm: nước lau sàn, nước rửa chén và trà quế. Trước đây, Công ty chỉ bán hàng theo phương thức truyền thống hoặc đăng trên các trang mạng xã hội, nhưng đơn hàng rất ít, khả năng tương tác với khách hàng cũng hạn chế. Do đó, việc đưa các sản phẩm của Công ty lên sàn giao dịch TMĐT là mong muốn tất yếu.
Bà Nguyễn Kim Thoa – Giám đốc Công ty cho biết: “Ở sàn giao dịch, có riêng phần dành cho sản phẩm OCOP. Tôi nghĩ, đây là cơ hội rất tốt để các DN tham gia giới thiệu bán các sản phẩm do cơ sở mình sản xuất. Từ khi đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thì lượng khách hàng tăng lên”.
Viettel Post là đơn vị đầu tiên phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái thực hiện việc đưa sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch TMĐT. Tại Yên Bái, các sản phẩm đặc sản đã được đưa lên trên sàn TMĐT Voso.vn của Viettel gồm: dầu lạc, tinh dầu quế, Tuyết Sơn Trà, bưởi Đại Minh, miến dong Giới Phiên, cá sấy, thịt sấy, trà Bát tiên…
Các sản phẩm được đưa trên Voso.vn cam kết nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cung cấp bởi các nhà sản xuất có uy tín và được kiểm định chất lượng bởi Viettel Post đã được người tiêu dùng đánh giá rất cao vì họ được sử dụng đúng đặc sản, không sợ hàng kém chất lượng. Công ty TNHH Sản xuất Y học cổ truyền và Đông dược Thế Gia huyện Văn Chấn cũng chọn sàn TMĐT để quảng bá các sản phẩm OCOP như: trà táo mèo Shan Thịnh, dầu massage Quốc Kỳ, xịt massage Quốc Kỳ.
Theo ông Bùi Thế Dũng – Giám đốc Nhà máy của Công ty Đông dược Thế Gia cho biết: “Nếu bán hàng theo kiểu truyền thống thì thị trường hẹp, sản phẩm sẽ không được nhiều người biết đến. Vì vậy, Công ty tích cực đưa các sản phẩm lên sàn TMĐT của Shopee, Postmart.vn, Voso.vn … Trong 2 năm dịch bệnh vừa qua, doanh số bán hàng của Công ty thông qua các sàn TMĐT tăng đáng kể, thông qua sàn Công ty có được một số thị trường mới, khách hàng mới và đang tiến tới các thị trường nước ngoài khó tính”.
Thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn
Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh đã có 140 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP; trong đó, có 20 sản phẩm đạt 4 sao, 120 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm như: gạo Chiêm hương (Văn Yên); cam, gạo nếp Tú Lệ (Văn Chấn); tinh dầu quế hữu cơ, măng tre Bát độ (Trấn Yên); cam Lục Yên; cá hồ Thác Bà, gạo Bạch Hà, chè Hương Lý (Yên Bình); rượu Bách chi (thị xã Nghĩa Lộ); trà táo mèo Shan Thịnh (Văn Chấn)…
Tỉnh đã xây dựng, từng bước đưa vào vận hành hệ thống phần mềm phục vụ công tác quản lý, thông tin về sản phẩm OCOP, hỗ trợ trên 100 DN hoàn thiện hạ tầng TMĐT trên Sàn Giao dịch TMĐT tỉnh, đưa 607 sản phẩm lên sàn TMĐT, 42 sản phẩm OCOP lên sàn Postmart.vn, 72 sản phẩm OCOP lên sàn Voso.vn và bán ra trên 6.000 đơn hàng.
Ngày càng có nhiều sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến và lựa chọn. Điển hình như các sản phẩm: nước lau sàn, nước rửa chén và trà quế của Công ty TNHH Trà thảo mộc Quế Phát, huyện Văn Yên nếu vào sàn TMĐT của Voso.vn… sẽ dễ dàng tìm thấy số lượng người mua rất nhiều và được người tiêu dùng đánh giá rất cao.
Từ kết quả trên cho thấy, sàn TMĐT là kênh tiêu thụ nông sản, các sản phẩm OCOP… không thể thiếu trong thời đại 4.0. Trong năm 2022, tỉnh đặt mục tiêu 100% sản phẩm OCOP của tỉnh đã được chứng nhận từ 3 sao trở lên được đưa lên sàn TMĐT Postmart.vn.
Theo đó, 100% hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN), hộ kinh doanh cá thể, HTX, tổ chức hợp tác (gọi chung là hộ SXNN) lên sàn TMĐT đều được đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên các sàn TMĐT; đồng thời, thiết lập 10.000 tài khoản hoạt động trên sàn TMĐT, gồm tài khoản mua và bán có một trong các hoạt động: đăng bán sản phẩm, tìm kiếm sản phẩm, trao đổi thông tin, giao dịch mua bán nhằm thúc đẩy gia tăng số lượng giao dịch và giá trị giao dịch trên các sàn TMĐT.
Ngoài ra, tham gia sàn TMĐT và nền tảng số, các hộ SXNN sẽ được cung cấp các thông tin hữu ích về thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, thức ăn, phân bón…
Bên cạnh đó, các sàn TMĐT cũng lựa chọn đưa lên các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào, các công cụ phục vụ SXNN thương hiệu uy tín, chất lượng tốt, giá cả phù hợp để giới thiệu, cung cấp cho các hộ SXNN.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: “Bưu điện sẽ phối hợp với các cấp, ngành và chính quyền các cấp rà soát các hộ sản xuất, kinh doanh có đủ điều kiện đưa sản phẩm lên sàn TMĐT để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho hộ sản xuất. Mục tiêu năm 2022, có 100% sản phẩm OCOP đáp ứng được yêu cầu vận chuyển qua đường bưu chính sẽ được đưa lên sàn; các sản phẩm đặc sản chủ lực của các địa phương đủ điều kiện được đưa lên sàn; tối thiểu có 30.000 hộ sản xuất có sản phẩm đủ điều kiện được tạo gian hàng số và hướng dẫn kinh doanh trên sàn TMĐT”.
Để triển khai kế hoạch trên, UBND tỉnh yêu cầu việc lựa chọn các hộ SXNN có các sản phẩm đạt các tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, hữu cơ, xác nhận theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh để đưa lên sàn TMĐT nhằm dẫn dắt, lan tỏa hoạt động mua, bán và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên sàn TMĐT.
Cùng đó, hướng dẫn, đào tạo các hộ SXNN về kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; hướng dẫn đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT và đăng ký, sử dụng thanh toán trực tuyến phục vụ giao dịch; hướng dẫn về quy trình đóng gói – kết nối – giao nhận sản phẩm khi tham gia các sàn TMĐT.
Mặt khác, hỗ trợ hộ SXNN quảng bá, giới thiệu, xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn TMĐT và các kênh phân phối của Bưu điện tỉnh Yên Bái; cung cấp thông tin các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của các địa phương lên sàn TMĐT.