TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI BỘ THÁNG 02 NĂM 2022
THÔNG TIN CỦA ĐẢNG ỦY KHỐI CQ&DN TỈNH YÊN BÁI |
1. Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh phối hợp tổ chức Lễ ra quân sản xuất, kinh doanh năm 2022.
Sáng 09/02/2022, Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tổ chức Lễ ra quân sản xuất, kinh doanh năm 2022 và khởi công xây dựng Showroom Ô tô TOYOTA Hòa Bình Minh Yên Bái.
Dự Lễ ra quân có đồng chí Đỗ Đức Duy – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng – Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Tạ Văn Long – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Trần Huy Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND thành phố Yên Bái.
Tại Lễ ra quân, các đại biểu tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm, dịch vụ và gian hàng chuyển đổi số của các đơn vị, doanh nghiệp trong Khối; tham gia thực hiện nghi thức khởi công Dự án xây dựng Showroom Ô tô TOYOTA Hòa Bình Minh Yên Bái và tham gia trồng cây lưu niệm.
Cũng tại Chương trình, Đảng ủy Khối và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã ký quy chế phối hợp hoạt động giai đoạn 2022 – 2025; khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh năm 2021. Các doanh nghiệp đã ủng hộ Chương trình an sinh xã hội của tỉnh với số tiền 2 tỷ 360 triệu đồng.
Qua hoạt động đã tạo không khí thi đua sôi nổi trong cán bộ, đảng viên và người lao động, phấn đấu thi đua lao động sản xuất, kinh doanh, xây dựng Đảng và các đoàn thể trong doanh nghiệp vững mạnh; hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022.
- Đảng ủy Khối tổ chức thí điểm triển khai “Sổ tay đảng viên điện tử”.
Thực hiện chương trình công tác năm 2022, Đảng ủy Khối phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trực triển khai thí điểm sử dụng ứng dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” .
Phần mềm này sẽ cung cấp thông tin các nghị quyết, quy định, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của cấp ủy đảng cấp trên; cung cấp các tính năng hỗ trợ sinh hoạt đảng bộ, chi bộ; hỗ trợ tìm kiếm văn bản; giúp cấp ủy đảng cơ sở tiếp nhận và phản hồi các câu hỏi, ý kiến của đảng viên; hỗ trợ ra thông báo gửi đến đảng viên trong thời gian nhanh nhất; tổ chức họp chi bộ theo hình thức trực tuyến.
Việc triển khai “Sổ tay đảng viên điện tử” góp phần giúp Đảng ủy Khối đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ; nâng cao nhận thức cho đội ngũ đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên.
Sau khi chi bộ cơ quan Đảng ủy Khối CQ&DN tỉnh và Chi bộ Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thí điểm, “Sổ tay đảng viên điện tử” sẽ được rút kinh nghiệm để triển khai rộng rãi đến các chi, đảng bộ trong Khối CQ&DN tỉnh.
- Đảng ủy Khối hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021
Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, đóng góp tích cực vào những thành tích chung của tỉnh. Nổi bật là:
Công tác phổ biến, quán triệt Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội 19 Đảng bộ tỉnh, các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy được quan tâm thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực; chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền được nâng lên. Kịp thời xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện các quy định, nghị quyết, chỉ thị, đề án, chương trình hành động của Tỉnh ủy phù hợp với điều kiện thực tiễn của Đảng ủy khối.
Công tác phát triển Đảng, đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng, công tác thi đua – khen thưởng được thực hiện tốt. Lãnh đạo hoạt động của các đoàn thể có nhiều đổi mới; quan tâm lãnh đạo công tác chuẩn bị, tổ chức đại hội cấp cơ sở, tiến tới đại hội Đoàn thanh niên và Hội cựu chiến Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh nhiệm kỳ 2022-2027.
Trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, đã chú trọng đổi mới công tác lãnh đạo theo hướng yêu cầu xác định rõ nhiệm vụ chính trị, định kỳ theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện và đánh giá nghiêm túc kết quả thực hiện hàng năm của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc, kết quả các cấp ủy khối ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, hội đặc thù đã tổ chức thực hiện cơ bản hoàn thành 1.896 nhiệm vụ trọng tâm đề ra năm 2021, trong đó: có 430 nhiệm vụ cụ thể theo nội dung Chương trình hành động số 18-CTr/TU của Tỉnh ủy, 881 nhiệm vụ được ngành dọc cấp trên giao và 585 nhiệm vụ do các cơ quan, đơn vị xác định.
Chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp trong khối chủ động phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ổn định hoạt động, sản xuất kinh doanh. Phát huy vai trò cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với doanh nghiệp, nhất là đã chủ động cung cấp thông tin, nắm bắt tình hình, kịp thời báo cáo, đề xuất các chủ trương, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh…
THÔNG TIN TRONG TỈNH |
10 SỰ KIỆN VÀ THÀNH TỰU NỔI BẬT TỈNH YÊN BÁI NĂM 2021
- Yên Bái vinh dự, phấn khởi được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước lên thăm và làm việc với tỉnh. Đặc biệt, được đồng chí Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến thăm, dự Lễ khai giảng năm học 2021-2022 tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh và làm việc với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
- Khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh và nghị quyết đại hội đảng các cấp với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. Đã hoàn thành việc xây dựng và ban hành đồng bộ các nghị quyết, chỉ thị, đề án, chính sách, quy định, quy chế để thực hiện trong cả nhiệm kỳ, bao gồm: 13 nghị quyết, quy chế của Tỉnh ủy; 43 nghị quyết, chỉ thị, đề án, quy định, quy chế của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; 36 nghị quyết, đề án của Hội đồng nhân dân tỉnh; 18 đề án, chính sách, chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh, tạo cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để sớm triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
- Tổ chức thành công tốt đẹp cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2021 – 2026 và nhiều sự kiện chính trị quan trọng khác, như: Chương trình chào mừng thành công Đại hội XIII của Đảng và kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Hội thảo khoa học 30 năm tái lập tỉnh Yên Bái (1991 – 2021)… Qua đó, cổ vũ, động viên, khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo, ý chí, khát vọng vươn lên trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, cùng nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của năm 2021 và cả nhiệm kỳ 2020 – 2025.
- Tích cực, chủ động, triển khai quyết liệt, linh hoạt, kịp thời, bài bản các giải pháp phòng, chống và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội. Yên Bái là tỉnh cuối cùng trong cả nước xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng, đến nay vẫn giữ được là tỉnh “vùng xanh” trên bản đồ Covid-19 của cả nước, các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội vẫn được duy trì trong trạng thái bình thường mới.
- Kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá trong bối cảnh chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,11%, đứng thứ 2 trong 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố; trong đó, tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 5,36%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,12%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 9,64%, giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng 37,8% so với năm 2020. Thu ngân sách ước đạt trên 4.300 tỷ đồng, vượt rất cao so với dự toán Trung ương giao và vượt dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.
- Yên Bái tiếp tục là điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới của khu vực Tây Bắc. Năm 2021, Yên Bái có thêm 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 06 xã đặc biệt khó khăn), nâng tổng số xã trong toàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới lên 88/150 xã (trong đó có 03 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 17 xã nông thôn mới nâng cao). Toàn tỉnh đã có 03 đơn vị cấp huyện là thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên, thị xã Nghĩa Lộ được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
- Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực đột phá cho phát triển kinh tế – xã hội. Khánh thành và đưa vào sử dụng công trình cầu Cổ Phúc và nhiều công trình trọng điểm khác, đồng thời khởi công mới nhiều công trình giao thông trọng điểm: Cầu Giới Phiên; Dự án đường nối quốc lộ 32 (thị xã Nghĩa Lộ) với cao tốc Nội Bài – Lào Cai (tại nút giao IC14); Dự án “Phát triển tổng hợp các đô thị động lực – Tiểu dự án thành phố Yên Bái”; Dự án Đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (tại nút giao IC15); Dự án đường Khánh Hòa – Văn Yên; Dự án đường nối quốc lộ 32 (tại xã Gia Hội, Văn Chấn) với Cao tốc Nội Bài – Lào Cai (tại nút giao IC15)…
- Văn hóa – xã hội được quan tâm chăm lo, phát triển toàn diện theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh. Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng con người Yên Bái “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” và nâng cao chỉ số hạnh phúc của nhân dân. Năm 2021, chỉ số hạnh phúc của người dân trên địa bàn tỉnh đạt 58,11%, tăng 4,81% so với năm 2020, vượt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 còn 4,76% (giảm 2,28% so với năm 2020).
- Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Yên Bái đã chủ trì cùng với các địa phương và các bộ, ngành Trung ương xây dựng hồ sơ và bảo vệ thành công tại Kỳ họp thứ 16 – Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO. Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã tiếp tục khẳng định, tôn vinh giá trị bản sắc văn hóa phong phú, đặc sắc của dân tộc, là niềm vinh dự, tự hào lớn lao của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng bào dân tộc Thái và của 04 tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu.
- Quốc phòng – an ninh được củng cố và tăng cường, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và giữ gìn cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
THÔNG TIN TRONG NƯỚC |
- Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện NQ Đại hội XIII
Sáng 24/11/2021, tại phòng họp Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội (Hà Nội), Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khai mạc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Văn hóa có vai trò hết sức quan trọng, là nền tảng tinh thần, động lực phát triển của xã hội. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, nhân dân, ông cha ta đã xây dựng nên một nền văn hóa đặc sắc, kết tinh quá trình lao động sáng tạo, đấu tranh chống thiên tai, địch họa, mang đậm tâm hồn cốt cách dân tộc, thể hiện sâu sắc trình độ, nghệ thuật ứng xử với tự nhiên và xã hội. Chính nhờ có một nền văn hóa thấm đẫm bản sắc dân tộc làm bệ đỡ, dân tộc ta đã vượt qua được mọi thử thách cam go, không ngừng tiến lên theo dòng chảy của lịch sử.
Nhận thức đúng đắn tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của văn hóa, luôn luôn coi văn hóa là một mặt trận đấu tranh cách mạng, là ngọn đuốc “soi đường cho quốc dân đi”. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng, trong những năm qua, đặc biệt là những năm đổi mới, lĩnh vực văn hóa đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, song vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần khắc phục.
Để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, là mục tiêu, động lực của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới và hội nhập, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021) đã xác định: Tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc. Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam. Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế”.
Về quan điểm, chủ trương mới về phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng được thể hiện cụ thể:
Thứ nhất, lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước
Thứ hai, phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là động lực cho phát triển đất nước và hội nhập quốc tế
Thứ ba, phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam
Thứ tư, xây dựng đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
Để nhận thức đúng những điểm nhấn quan trọng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, thông tin, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân những quan điểm, chủ trương mới về phát triển văn hóa, con người Việt Nam được đề cập trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Hai là, tuyên truyền khẳng định, một trong những điểm nhấn quan trọng của Đại hội XIII của Đảng là xác định các quan điểm, chủ trương mới, toàn diện và sâu sắc về phát triển văn hóa, con người Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Ba là, tuyên truyền các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đất nước, con người Việt Nam đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Qua đó khơi dậy, củng cố niềm tự hào, tinh thần đoàn kết, ý thức xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, giàu mạnh.
- Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Sáng 9/12, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với điểm cầu chính đặt tại Hội trường Diên Hồng, toà nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự, chỉ đạo và chủ trì hội nghị.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương trình bày Báo cáo những nội dung chủ yếu về Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương; Kế hoạch số 03-KH/TW của Bộ Chính trị về triển khai thực hiện Kết luận số 21-KL/TW và Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 12 văn bản về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gồm:
(1) Chỉ thị số 01-CT/TW của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
(2) Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
(3) Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
(4) Quy định số 24-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Điều lệ Đảng.
(5) Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
(6) Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 28/9/2021 của Ban Bí thư về một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng.
(7) Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” (số 21-KL/TW ngày 25/10/2021);
(8) Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm.
(9) Quy định số 41 –QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.
(10) Kế hoạch của Bộ Chính trị thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.
(11) Hướng dẫn của Ban Bí thư thực hiện Quy định 22-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng.
(12) Hướng dẫn của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thực hiện Quy định những điều đảng viên không được làm.
Các cấp ủy cơ sở và đội ngũ báo cáo viên các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó cần nhấn mạnh những tinh thần mới, nội dung mới của Hội nghị Trung ương 4, đó là:
(i) Sâu rộng hơn về nội dung và phạm vi; chủ động tiến công mạnh mẽ hơn về tư tưởng chỉ đạo;
(ii) Mục tiêu được xác định lần này cao hơn và sát hợp hơn với tình hình mới;
(iii) Bổ sung, làm rõ, đồng bộ và sắc bén hơn một số nhiệm vụ, biện pháp trong thời gian tới;
(iv) Bổ sung, hoàn thiện toàn diện hơn các thể chế, thiết chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tuyên truyền, quán triệt những yêu cầu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về các biện pháp để thực hiện có kết quả Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng: “Tất cả chúng ta, từ trên xuống dưới, đều phải có quyết tâm rất lớn, có sự thống nhất rất cao, có biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, chỉ đạo chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, tỉnh táo, bình tĩnh, không cực đoan, không để các thế lực xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động, phá hoại. Có những việc không thể chỉ làm một lần là xong. Ngược lại, phải làm rất kiên quyết, kiên trì, bền bỉ; làm thường xuyên, liên tục; làm đi làm lại nhiều lần như đánh răng, rửa mặt hằng ngày”.
- Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Ngày 14/12/2021, tại Hội trường Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Hội nghị đã đánh giá toàn diện kết quả công tác đối ngoại thời gian qua, tình hình khu vực và thế giới, đường lối đối ngoại mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định, từ đó, đề ra nội dung, nhiệm vụ, giải pháp công tác đối ngoại thời gian tới.
Cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân quan tâm, đánh giá cao Hội nghị, bởi đây là Hội nghị toàn quốc đầu tiên do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức để bàn về công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân. Hội nghị đã đạt được sự thống nhất cao, đầy đủ và sâu sắc về tầm quan trọng của công tác đối ngoại trong chiến lược tổng thể phát triển đất nước cũng như bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam với bạn bè quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài về các chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong thời gian tới.
Hội nghị có sức lan tỏa lớn, thông qua đó khẳng định Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm đến công tác đối ngoại, chủ động triển khai đồng bộ đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế; từng bước hoàn thiện khuôn khổ, nâng tầm quan hệ với các đối tác; đồng thời đưa các mối quan hệ đối tác ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, trên cơ sở tăng cường tin cậy chính trị, nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác; góp phần tạo dựng và duy trì vững chắc môi trường hoà bình, ổn định, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa. Công tác đối ngoại được triển khai ngày càng đồng bộ trên tất cả các trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân trên các lĩnh vực[1].
Dư luận quan tâm theo dõi và đánh giá cao bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị. Bài phát biểu toàn diện, mang tính khái quát cao, có nhiều nội dung sâu sắc, từ việc khái quát lại truyền thống lịch sử của đất nước, truyền thống ngoại giao nhân văn, hòa hiếu, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất của dân tộc ta cũng như những thành tựu ngoại giao của thời đại Hồ Chí Minh và những quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo của Đảng ta; những bài học kinh nghiệm rút ra trong việc triển khai đường lối đối ngoại. Đặc biệt, Tổng Bí thư đã chỉ rõ những nhiệm vụ của ngành đối ngoại trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh yêu cầu coi trọng hơn nữa công tác đào tạo cán bộ ngoại giao, cán bộ đối ngoại cả về trình độ, năng lực lẫn bản lĩnh chính trị, luôn tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, với lợi ích của dân tộc, tỉnh táo trước sự tác động, lôi kéo của các thế lực thù địch, chủ động tích cực phòng ngừa không để “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, vướng vào tham nhũng, tiêu cực để toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân…
Các chuyên gia cho rằng, đây là Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, là một trong số các hội nghị chuyên đề trong chuỗi các hội nghị triển khai thực hiện đường lối Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Hội nghị đã tạo ra sự thống nhất trong nhận thức, về đường lối đối ngoại và thực hiện triển khai đồng bộ trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; qua đó tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, sự đồng lòng của người Việt Nam ở trong nước cũng như nước ngoài và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Từ thành công của Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung sau:
Một là, thông tin, tuyên truyền sâu rộng, tạo sự lan tỏa trong Đảng và trong toàn xã hội về những nội dung quan trọng của Hội nghị, trong đó nhấn mạnh những quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác đối ngoại, nêu bật “Quyết tâm xây dựng và phát triển một nền đối ngoại và ngoại giao Việt Nam hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc và trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam”.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền về những kết quả quan trọng đạt được trong công tác đối ngoại trong thời gian qua trên tất cả các trụ cột: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân. Tuyên truyền khẳng định, thành tựu của công tác đối ngoại trong thời gian qua đã góp phần quan trọng vào việc duy trì vững chắc môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.
Ba là, tiếp tục tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đối ngoại trong thời gian tới. Nhấn mạnh đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
- Về Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV
Căn cứ khoản 2 Điều 90 và khoản 1 Điều 92 của Luật Tổ chức Quốc hội, trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, sau khi xem xét kỹ lưỡng, thận trọng về các mặt và nội dung chuẩn bị do Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khoá XV từ ngày 04 đến 11/01/2021, bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu truyền hình Nhà Quốc hội đến điểm cầu đoàn Đại biểu Quốc hội 62 tỉnh, thành phố. Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận, xem xét, quyết định những vấn đề thực sự cấp thiết, cấp bách cho quốc kế dân sinh, cụ thể:
Một là, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Hai là, Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Ba là, Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Bốn là, Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
Đề nghị các cấp ủy cơ sở căn cứ tài liệu chính thức của Văn phòng Quốc hội, tuyên truyền những kết quả quan trọng của Kỳ họp; nhấn mạnh: việc tổ chức Kỳ họp bất thường là hết sức cần thiết nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, góp phần phục hồi kinh tế sau thời gian dài tác động của đại dịch và kịp thời thể chế chủ trương, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bằng những quyết sách cụ thể thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
- Việt Nam tiêm vaccine phòng Covid-19 cho hơn 60% dân số
Tính đến ngày 27/12/2021, cả nước đã tiêm được hơn 144 triệu liều vaccine phòng Covid-19 trong tổng số hơn 166 triệu liều vaccine đã phân bổ. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine là 79% và tỷ lệ bao phủ đủ vaccine liều cơ bản là 66% tổng dân số Việt Nam[2]. Tỷ lệ này đã vượt mức mục tiêu mà Tổ chức Y tế thế giới đề ra đến hết năm 2021: 40% dân số của mỗi quốc gia được tiêm vaccine phòng Covid-19. Như vậy, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 của Việt Nam đã về đích sớm hơn dự kiến. Đây được xem là một thành công lớn của chiến lược phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam.
Cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ghi nhận và đánh giá cao kết quả công tác tiêm chủng vaccine Covid-19 trong thời gian qua. Mặc dù Việt Nam triển khai việc tiêm chủng trong điều kiện gặp rất nhiều khó khăn, dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở nhiều địa phương, bên cạnh đó việc tiếp cận nguồn vaccine bên ngoài có nhiều yếu tố không thuận lợi, việc nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước không đạt đúng tiến độ như dự kiến, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương và sự đồng thuận cao của Nhân dân, chúng ta đã đạt được những bước tiến quan trọng trong việc bao phủ vaccine cho cộng đồng theo mục tiêu đề ra. Nhận thức đúng tầm quan trọng của vaccine đối với công tác phòng, chống dịch bệnh, ngành Y tế đã tổ chức thực hiện việc tiêm chủng khoa học, phù hợp cho từng đối tượng với quyết tâm cao để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân trước sự tấn công của virus SARS-COV-2. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân đối với vấn đề tiêm chủng đã được triển khai sâu rộng với sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành, trong đó có vai trò nòng cốt của ngành Tuyên giáo các cấp. Chính vì vậy, công tác tiêm chủng đã diễn ra một cách thuận lợi, các tầng lớp nhân dân đồng tình và tham gia tiêm chủng với sự tin tưởng cao. Đây là yếu tố cơ bản để chiến dịch tiêm chủng của nước ta nhanh chóng đạt được mục tiêu đề ra, từng bước đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu kinh tế – xã hội trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia y tế, tỷ lệ bao phủ đủ 02 mũi vaccine phòng Covid-19 cho người trên 18 tuổi đến nay đã đạt trên 80%. Với tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19 như hiện nay, đến hết tháng 12/2021, trên 95% dân số Việt Nam từ 18 tuổi trở lên sẽ được tiêm đủ 02 mũi vaccine. Đây là một kết quả rất quan trọng đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam, đã hạn chế được bệnh nhân nặng và số bệnh nhân Covid-19 tử vong.
Tuy nhiên, không có một loại vaccine nào đạt được hiệu quả bảo vệ 100%. Với vaccine phòng Covid-19 hiện nay, theo ghi nhận của Tổ chức Y tế thế giới, kinh nghiệm của các quốc gia đã triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 trước Việt Nam cũng như khuyến cáo của nhà sản xuất, hiệu quả bảo vệ của vaccine phòng Covid-19 dao động từ 60 – 90%. Vì vậy, cho dù đã tiêm đủ liều vaccine cũng không thể bảo vệ tính mạng con người hoàn toàn. Những người đã được tiêm vaccine phòng Covid-19, hiệu quả mang lại là giảm số mắc Covid-19 và giảm bệnh nặng, giảm tử vong ở người mắc bệnh. Theo nguyên lý sử dụng vaccine trong tiêm chủng thì mũi tiêm nhắc lại là rất quan trọng, giúp cho việc tăng cường tính miễn dịch của mỗi người sau khi đã tiêm đủ các mũi vaccine cơ bản. Điều này giúp cơ thể củng cố khả năng miễn dịch trước virus SARS-CoV-2 và những biến thể sau này. Vì thế, trong thời gian tới cần triển khai nhanh việc tiêm mũi thứ 3 cho các đối tượng, trước mắt là đối với các đối tượng dễ bị tổn thương bởi Covid-19, sau đó là người từ 18 tuổi trở lên.
Các tầng lớp nhân dân đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trong thời gian tới. Điển hình là Công điện số 1745/CĐ-TTg, ngày 19/12/2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine, tổ chức tiêm an toàn, nhanh nhất. Chậm nhất là ngày 31/12/2021 phải hoàn thành việc tiêm mũi 02 cho người từ 18 tuổi trở lên; không để sót, đặc biệt người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; hoàn thành tiêm mũi 02 cho người từ 12 – 17 tuổi trong tháng 01/2022, mũi 03 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I/2022; chủ động có kế hoạch, phương án tiêm vaccine cho trẻ em từ 05 đến 11 tuổi sau khi có ý kiến của cấp có thẩm quyền và theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Dư luận mong muốn, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương, Việt Nam sẽ hoàn thành các mục tiêu tiêm chủng đề ra để giảm thiểu tối đa tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với đời sống của Nhân dân.
Từ kết quả của công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trong thời gian qua, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của vaccine đối với việc bảo đảm an toàn cho sức khỏe và tính mạng của người dân trước dịch bệnh. Việc tham gia tiêm chủng vaccine là quyền lợi, đồng thời là nghĩa vụ của mỗi người dân trong việc góp phần vào công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay.
Hai là, tuyên truyền những kết quả quan trọng của chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trong thời gian qua và những mục tiêu, nhiệm vụ cần tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới gắn với việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiêm chủng ở địa phương, cơ quan, đơn vị.
Ba là, chú trọng tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân nhận thức đúng về miễn dịch cộng đồng sau khi Việt Nam đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao cho người dân. Từ đó, tiếp tục thực hiện tốt nguyên tắc 5K + vaccine + thuốc điều trị + các biện pháp điều trị + công nghệ + đề cao ý thức của người dân và các biện pháp khác trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tiếp tục có diễn biến phức tạp.
- 6. Về vụ án vi phạm quy định đấu thầu, nâng khống giá kit test Covid-19
Ngày 18/12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu, nâng khống giá Kit xét nghiệm Covid-19 xảy ra tại Công ty Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan. Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố 07 bị can, trong đó có Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) và Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương)[3]. Những đối tượng này đang bị điều tra về hành vi trục lợi trên sức khỏe và tính mạng của người dân trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua, gây bức xúc trong các tầng lớp nhân dân.
Theo điều tra của cơ quan công an, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test Covid-19 của các địa phương trên cả nước, sản phẩm Kit test Covid-19 thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn nên Công ty Việt Á đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng. Thông đồng với lãnh đạo các đơn vị mua hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (Công ty liên doanh, Công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá… để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá do Công ty Việt Á đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất[4]. Đồng thời, để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, tăng doanh thu lợi nhuận và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán theo giá do Công ty đề nghị, Việt Á còn thỏa thuận, thống nhất chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn. Để thu lợi bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào rồi đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/Kit; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.
Nhiều ý kiến cho rằng, sai phạm của Công ty Việt Á có sự tiếp tay của nhiều bệnh viện, CDC nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Tính đến nay, công ty này đã cung ứng Kit xét nghiệm cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố với doanh thu khoảng gần 4.000 tỷ đồng. Để tiêu thụ Kit xét nghiệm với số lượng lớn và được tạo điều kiện trong việc thanh toán giá cao, Công ty Việt Á đã chi số tiền rất lớn để “bôi trơn” cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng. Dư luận cho rằng, trong khi người dân còn đang gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 thì việc cấu kết của Công ty Việt Á với nhiều cơ sở y tế, CDC nhiều tỉnh để trục lợi là hành vi hết sức tàn nhẫn, phi nhân tính, họ đã trục lợi ngay trên sức khỏe và tính mạng của người dân. Dư luận đề nghị, cơ quan điều tra khẩn trương làm rõ, xử lý nghiêm những sai phạm của Công ty Việt Á và các tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy lại niềm tin của Nhân dân đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay.
Theo các chuyên gia, hành vi của Công ty Việt Á, CDC Hải Dương và các địa phương, đối tượng liên quan là vi phạm nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, vi phạm nghiêm trọng các điều nghiêm cấm trong quy định tại Luật Đấu thầu, có dấu hiệu “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Các chuyên gia đặt câu hỏi: Vai trò, trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ trong vụ việc này như thế nào? Qua vụ việc này cho thấy có một số doanh nghiệp “sân sau” đã thao túng ngành nghề, lĩnh vực ở nhiều địa phương, nhiều địa bàn, làm thất thoát tài sản của Nhà nước, sự suy thoái về đạo đức của một số cán bộ. Các cơ quan chức năng cần làm rõ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Từ những sai phạm của Công ty Việt Á và các tổ chức, cá nhân có liên quan, công tác tuyên truyền cần chú ý một số nội dung sau:
Một là, thông tin khách quan, chính xác về những sai phạm của Công ty Việt Á và các tổ chức, cá nhân có liên quan đúng theo diễn biến tình hình vụ án qua thông tin do cơ quan chức năng cung cấp. Việc thông tin nhằm giúp người dân hiểu rõ và tin tưởng hơn vào sự nghiêm minh của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật.
Hai là, tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân nhận thức đúng về tính chất sai phạm của vụ án này, từ đó ổn định tâm trạng, tư tưởng của người dân. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh trước các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch lợi dụng vụ án để kích động, nói xấu, phủ nhận thành quả chống dịch của Việt Nam trong thời gian qua.
Ba là, tuyên truyền nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung và việc quản lý vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 nói riêng để tránh những sai phạm tương tự có thể xảy ra.
- Một số điểm mới trong việc phân loại rác thải theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. So với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 thì luật mới có nhiều điểm khác, đặc biệt là vấn đề phân loại rác thải của các tổ chức, cá nhân. Trong đó, Luật quy định “giá dịch vụ thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính dựa trên khối lượng, thể tích chất thải ra” và tùy từng địa phương, quy định tính phí rác thải, có thể được áp dụng ở các thời điểm khác nhau, kể từ ngày 01/01/2022 và chậm nhất là ngày 31/12/2024.
Đông đảo các tầng lớp nhân dân quan tâm, đồng tình, ủng hộ quy định về tính phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng, bởi theo quy định nêu trên, “khối lượng, thể tích” rác thải sau khi được phân loại được coi là một yếu tố cấu thành nên giá dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt mà mỗi hộ gia đình, cá nhân phải trả hằng tháng. Hiện nay, mức giá dịch vụ này đang được tính bình quân và “cào bằng”, người xả 01kg rác cũng trả phí bằng với người xả 10kg rác. Theo quy định mới thì cá nhân, tổ chức, hộ gia đình nào xả càng nhiều rác thải, chất thải thì sẽ phải trả chi phí nhiều hơn. Do đó, tính phí rác thải theo khối lượng rác xả ra được cho là đảm bảo công bằng và giúp hạn chế rác thải sinh hoạt, giảm áp lực cho các hệ thống xử lý rác cũng như góp phần bảo vệ môi trường sống. Mặt khác, nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom và xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, có ý kiến còn bày tỏ sự băn khoăn về quy định mới này. Bởi việc thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi rác được tính theo khối lượng và thể tích như vậy thì ai sẽ cân đo rác và cân đo ở đâu? Hình thức cân đo thế nào? Ai là người giám sát? Có đảm bảo sự công bằng không? Chưa kể việc người dân phải tiến hành phân loại các loại rác trước khi mang ra cân đo. Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng, với quy định này nếu không làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân thì sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng nhà này bỏ rác sang nhà kia, hoặc vứt rác ra nơi công cộng để tránh phí, gây khó khăn thêm cho đơn vị thu gom rác. Ở các khu chung cư, do không có một khung giờ đổ rác cố định và lượng rác thải xả ra quá lớn, nên việc tính rác theo cân cũng có nhiều bất cập…
Theo các chuyên gia, Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về tính phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng, thể tích là hợp lý, về nguyên tắc người nào xả thải nhiều thì trả tiền nhiều là đúng. Các chuyên gia nhấn mạnh, thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng là giải pháp hiện được nhiều quốc gia áp dụng và cho hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, để áp dụng ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn và phải thực hiện từng bước, do phải có các điều kiện “cần và đủ” về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Bởi thực tế, cơ sở hạ tầng kỹ thuật nước ta còn nhiều hạn chế như: tỷ lệ chôn lấp rác thải còn cao, chưa chuyển đổi xong phương tiện thu gom rác; thiếu các cơ sở tái chế về chất thải hữu cơ và chất thải nhựa làm ảnh hưởng đến công tác phân loại rác hiện nay. Hơn hết là ý thức của người dân còn hạn chế. Với những hộ dân có kinh tế thấp rất khó thực hiện việc thu phí rác thải, thậm chí nạn đổ trộm hoặc vứt rác thải đến nơi khác vẫn còn diễn ra. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, nhà nước cần đầu tư hạ tầng kỹ thuật; đồng thời có những văn bản hướng dẫn chi tiết về các mức chế tài cũng như công tác giám sát việc thi hành; tuyên truyền, nâng cao giáo dục, nhận thức cho người dân. Trong giai đoạn đầu thực hiện, cần có kế hoạch cụ thể, xây dựng chế tài xử phạt thật nghiêm, lắp đặt hệ thống hạ tầng camera giám sát một cách bài bản, dần dần hình thành thói quen, đưa việc thu gom rác thải đi vào nền nếp. Khi nhận thức, hành động của người dân thay đổi, luật sẽ phát huy được tính tích cực đến môi trường, đời sống của người dân.
Nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về những quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020, nhất là vấn đề quy định phí thu gom rác thải, công tác tuyên truyền cần chú ý một số nội dung sau:
Một là, đẩy mạnh việc tuyên truyền về Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 vừa chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, trong đó chú trọng việc tuyên truyền những điểm mới so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, nhất là những vấn đề có liên quan đến trách nhiệm của người dân trong việc tham gia góp phần bảo vệ môi trường sống.
Hai là, tuyên truyền để người dân nhận thức được việc tính phí thu gom rác thải theo khối lượng, thể tích là phù hợp với xu hướng chung và đảm bảo sự công bằng trong xã hội. Từ đó, giáo dục, nâng cao nhận thức của mỗi người, mỗi gia đình trong việc phân loại, giảm thiểu rác thải ngay từ nguồn.
- Nghị quyết số 168/NQ-CP, ngày 31/12/2021 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19
Dịch Covid-19 tại Việt Nam vẫn đang diễn biến phức tạp, đe dọa sức khỏe, tính mạng Nhân dân. Việc bảo đảm các điều kiện để phòng, chống dịch Covid-19, nhất là về thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế là hết sức cần thiết và cấp bách. Thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15, ngày 28/7/2021 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Chính phủ quyết nghị thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong phòng, chống dịch Covid-19.
Đề nghị các cấp ủy cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền những nội dung quan trọng của Nghị quyết để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19, cần khẳng định: Việt Nam từ chỗ gặp khó khăn về nguồn vaccine để triển khai chiến dịch tiêm chủng cho toàn dân, nay đã tiếp nhận hơn 180 triệu liều vaccine phòng Covid-19 và trở thành một trong những quốc gia có độ bao phủ vaccine cao nhất thế giới. Kết quả này đạt được chính là nhờ chiến lược vaccine, trong đó có hoạt động ngoại giao vaccine đúng đắn, linh hoạt, kịp thời, nhất quán, hiệu quả của Đảng và Nhà nước.
Với quyết tâm vận động “vaccine nhiều nhất, sớm nhất có thể”, phương châm “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”, trong thời gian qua, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, vận động trực tiếp, quyết liệt tất cả các đối tác, các tổ chức quốc tế, các hãng sản xuất vaccine, qua các kênh song phương, đa phương, bằng các hình thức thăm chính, điện đàm, gửi thư… Kết quả triển khai hoạt động ngoại giao vaccine thời gian qua có ý nghĩa hết sức quan trọng, đóng góp trực tiếp, hiệu quả cho công tác phòng chống dịch Covid-19, tạo điều kiện tiên quyết để đất nước chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội.
- Chỉ thị số 36/CT-TTg, ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Tuyên truyền nhấn mạnh: Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến đời sống xã hội, đặc biệt ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và mối quan hệ xã hội của trẻ em. Trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư, nhiều phụ nữ mang thai và trẻ em bị nhiễm virus SARS-COV-2, nhiều trẻ em mồ côi, rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, không nơi nương tựa, thiếu sự chăm sóc của cha, mẹ, gia đình ảnh hưởng đến cuộc sống và việc học tập của trẻ em.
Để khắc phục hậu quả trước mắt và lâu dài của dịch Covid-19 đến trẻ em với quan điểm bảo vệ tốt nhất, hạn chế tối đa những tác động xấu đến trẻ em, tại Chỉ thị số 36/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đề xuất các chính sách, giải pháp, chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi nói chung và trẻ em mô côi do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nói riêng bảo đảm đúng quy định của pháp luật; chú trọng việc trẻ em được chăm sóc bởi người thân thích…
TÌNH HÌNH THẾ GIỚI |
- Việt Nam hoàn thành thắng lợi trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021
Đề nghị các cấp ủy cơ sở, đội ngũ báo cáo viên các cấp tuyên truyền khẳng định: Phát huy thế và lực mới của đất nước, với nỗ lực rất cao, cùng sự ủng hộ, hợp tác của các quốc gia thành viên Liên Hợp quốc, Việt Nam đã tham gia chủ động và tích cực, đề xuất nhiều sáng kiến, đóng góp thực chất vào công việc của Hội đồng Bảo an, với thông điệp xuyên suốt là “Đối tác vì hòa bình bền vững” trong tìm kiếm giải pháp ngăn ngừa, xử lý xung đột, kết nối hợp tác Hội đồng Bảo an với ASEAN, ứng phó với các thách thức đối với hòa bình và an ninh quốc tế, trên cơ sở tuân thủ Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Tham gia Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã thể hiện rõ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Từ nước nghèo, nhận viện trợ, Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác tích cực, chủ động đóng góp có trách nhiệm và tham gia cùng Liên Hợp quốc giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu về hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới. Trong hành xử, Việt Nam tự tin mang tâm thế của một đất nước yêu chuộng hòa bình, hòa hiếu, khiêm nhường, nhân văn, nhân ái, trọng lẽ phải, với lịch sử hào hùng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khẳng định bản sắc ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Quá trình đó cũng thể hiện hình ảnh của một Việt Nam năng động, đổi mới, với thông điệp mạnh mẽ về tầm nhìn, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đến năm 2045 đã đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Những nỗ lực của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an, cùng tổng thể thành công của các công tác đối ngoại nói chung, đã góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển, hội nhập toàn diện của đất nước, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, đưa quan hệ với các nước, các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, hiệu quả.
Việt Nam đã khép lại nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc với nhiều dư âm đánh giá tích cực, đồng điệu với nguyện vọng chung của cộng đồng quốc tế về một thế giới hòa bình bền vững, không có chiến tranh, xung đột, không còn đói nghèo, bất bình đẳng. Dư âm đó bồi đắp thêm niềm tin, tiếp thêm xung lực cho Việt Nam đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương phục vụ công cuộc phát triển đất nước.
- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Cộng hòa Ấn Độ
Từ ngày 15 – 19/12/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã thăm chính thức Cộng hòa Ấn Độ theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Ấn Độ Om Birla và Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Ấn Độ Venkaiah Naidu. Chuyến thăm thể hiện sự chủ động, tích cực trong công tác đối ngoại của Quốc hội, góp phần triển khai đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, sẵn sàng hợp tác với Ấn Độ nhằm duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ấn Độ đã đạt kết quả toàn diện về chính trị, đối ngoại, ngoại giao phục vụ kinh tế, ngoại giao vaccine, ngoại giao nhân dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội tới Cộng hòa Ấn Độ. Hai bên nhất trí tổ chức các hoạt động có ý nghĩa, thiết thực Kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2022 và 5 năm nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược toàn diện. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hai nước trong việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa có thế mạnh của nhau; hợp tác văn hóa, bảo tồn di sản, giao lưu nhân dân và du lịch trong thời gian tới. Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, ủng hộ thúc đẩy đối thoại và xây dựng lòng tin, tự kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982;… Chuỗi hoạt động tại Ấn Độ của Đoàn Việt Nam góp phần tiếp tục củng cố và thúc đẩy quan hệ hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Ấn Độ[5].
Theo các chuyên gia, chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thành công tốt đẹp, trên tất cả các phương diện, đặc biệt là sự quan tâm, chăm lo của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Chuyến thăm đã đạt được ba mục tiêu: (i) Tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước nói chung và quan hệ giữa các cơ quan lập pháp của hai nước nói riêng; (ii) Tạo động lực mới cho quan hệ song phương, tạo cơ hội để hai bên hiểu thêm về chính sách phát triển kinh tế – xã hội và đối ngoại của mỗi nước; (iii) Quan điểm của hai bên về các vấn đề quốc tế và toàn cầu cùng quan tâm, đồng thời tìm kiếm giải pháp cho các thách thức toàn cầu nhằm đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Thành công của chuyến thăm đã góp phần nâng cao quan hệ của hai nước, thúc đẩy hợp tác kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực của hai nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Hai bên thống nhất, ngoài các chuyến thăm cấp cao của Lãnh đạo Quốc hội hai nước sẽ tích cực triển khai các hoạt động hợp tác của các cơ quan Quốc hội hai nước; trao đổi, chia sẻ những vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm. Đặc biệt, trong chuyến thăm lần này, Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Văn phòng Hạ viện Ấn Độ đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực thư viện số và truyền hình số, đây là cơ hội tốt góp phần xây dựng Quốc hội điện tử ngày càng hiệu quả hơn, phục vụ đắc lực cho hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
Từ những kết quả tốt đẹp trong chuyến thăm chính thức Cộng hoà Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, công tác tuyên truyền cần tập trung một số nội dung sau:
Một là, thông tin, tuyên truyền các hoạt động trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Khẳng định chuyến thăm nhằm tiếp tục củng cố và thúc đẩy quan hệ hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam – Ấn Độ.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền mối quan hệ truyền thống giữa hai Nhà nước, Nhân dân và Quốc hội hai nước; các kết quả đạt được trong hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực trong thời gian qua và phương hướng hợp tác trong thời gian tới.
Ba là, nắm bắt tình hình dư luận của cán bộ, đảng viên và Nhân dân sau chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến Ấn Độ, kịp thời định hướng thông tin, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc về chuyến thăm, về quan hệ Việt Nam – Ấn Độ nói riêng và các mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam nói chung.
ĐỊNH HƯỚNG NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN VÀ SINH HOẠT CHI BỘ THÁNG 02 NĂM 2022 |
- Tiếp tục tập trung chỉ đạo công tác triển khai, quán triệt, học tập, tuyên truyền đưa nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống. Đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIX; các kỳ họp Quốc hội khóa XV; kỳ họp HĐND tỉnh khóa XIX.
- Chỉ đạo đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, khóa XIII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Triển khai chuyên đề toàn khóa – chuyên đề năm 2021 của Trung ương “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác; triển khai cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng tỉnh Yên Bái năm 2022.
- Chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền mục tiêu phát triển tỉnh Yên Bái “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình hành động số 56-CTr/TU, ngày 01/11/2021 của Tỉnh ủy lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022.
Tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, thông tin tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân, tuyệt đối không lơ là, chủ quan ngay cả khi đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin và tiêm tăng cường mũi thứ ba.
- Chỉ đạo tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm, các sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh, đặc biệt là các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, Lễ phát động Tết trồng cây năm 2022; kỷ niệm 122 năm Khởi nghĩa Yên Bái…
- Đẩy mạnh tuyên truyền công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chính sách thuế, bảo hiểm xã hội, xóa đói giảm nghèo; thực hiện kịp thời, đầy đủ chính sách an sinh xã hội; triển khai xây dựng con người Yên Bái “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh.
- Tập trung chỉ đạo tuyên truyền các hoạt động sản xuất, chăn nuôi; công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống hàng giả…; chủ động phòng, chống dịch bệnh ở người, trên cây trồng, vật nuôi và ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên môi trường, phòng chống thiên tai, bão lũ, phòng chống cháy nổ.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông tin đối ngoại, mở rộng hợp tác quốc tế; về biển, đảo và công tác phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới trên đất liền. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
BAN TUYÊN GIÁO ĐẢNG ỦY KHỐI CƠ QUAN VÀ DOANH NGHIỆP TỈNH YÊN BÁI
[1] Chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa – xã hội, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, từ Trung ương đến địa phương. Cơ chế phối hợp trong công tác đối ngoại ngày càng hoàn thiện.
[2] Cổng thông tin tiêm chủng vaccine Covid-19 của Bộ Y tế.
[3] Ngày 10/12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành khám xét khẩn cấp 16 địa điểm tại 08 địa phương (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Thừa Thiên – Huế, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Nghệ An) và triệu tập ghi lời khai trên 30 đối tượng có liên quan. Kết quả điều tra và đấu tranh với các đối tượng xác định: Công ty Việt Á do Phan Quốc Việt thành lập, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật. Tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm Kit xét nghiệm Covid-19. Đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng Kit xét nghiệm Covid-19 cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu khoảng gần 4.000 tỷ đồng.
[4] Để thu lợi bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào để đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/Kit; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.
[5] Trong chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Om Birla; hội kiến Chủ tịch Thượng viện, Phó tổng thống Venkaiah Naidu, hội kiến Thủ tướng Narendra Modi; tiếp lãnh đạo Đảng Cộng sản Ấn Độ; dự Lễ kỷ niệm 5 năm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Ấn Độ; thăm triển lãm ảnh 50 năm quan hệ Việt Nam – Ấn Độ; tiếp lãnh đạo các Hội hữu nghị và bạn bè của Việt Nam; dự Diễn đàn doanh nghiệp hai nước, gặp đại diện một số doanh nghiệp, tập đoàn; làm việc tại bang Kerala, gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ…
Ban Tuyên giáo ĐUK