Yên Bái: Tiến độ giải ngân thúc đẩy giá trị sản xuất

Mặc dù gặp những khó khăn nhất định do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, nhưng nhờ chủ động các giải pháp, tiến độ xây dựng và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh năm qua cơ bản không bị ảnh hưởng. Các công trình trọng điểm của tỉnh đã và đang được triển khai đều bảo đảm yêu cầu tiến độ đề ra…

Công trình chợ Mường Lò khu C đang được triển khai đầu tư xây dựng.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, tỉnh đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, du lịch; hạ tầng đô thị, khu công nghiệp; hạ tầng xây dựng nông thôn mới và các công trình quan trọng, thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Với những giải pháp tích cực, hiệu quả, các công trình đầu tư xây dựng cơ bản trọng điểm trên địa bàn theo đúng tiến độ. Riêng quý IV/2021, giá trị sản xuất ngành xây dựng ước đạt 3.895 tỷ đồng, tăng trên 15% so với quý trước, tăng 13,88% so cùng kỳ năm trước; giá trị sản xuất xây dựng ước đạt 2.591 tỷ đồng, tăng 15,7% so với quý trước, tăng 11,08% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm, giá trị sản xuất ngành xây dựng đạt 11.636 tỷ đồng, tăng 14,08%; giá trị sản xuất xây dựng ước đạt 7.748 tỷ đồng, tăng 11,37% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân chủ yếu làm tăng giá trị sản xuất ngành xây dựng là do đẩy nhanh tiến độ triển khai và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Trong đó, các dự án trọng điểm, các dự án có mức vốn giao kế hoạch lớn và môi trường kinh doanh được cải thiện hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực xây dựng, cũng như thúc đẩy kinh tế phát triển. Đặc biệt, kết quả giải ngân cao hơn bình quân chung của cả nước, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố.

Với kết quả trên, tỉnh Yên Bái đã được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung 250 tỷ đồng (Nghị quyết số 410 ngày 01/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2021).

Trong quản lý đầu tư, các nhà thầu đã đảm bảo đủ nhân lực, máy móc phương tiện, triển khai trên công trường, tiến độ thi công theo đúng cam kết; việc phối hợp các khâu tổ chức thẩm định, cấp phép, nghiệm thu, thanh quyết toán cải thiện đáng kể. Đối với khu vực hộ dân cư, mặc dù giá cả vật liệu xây dựng trong năm 2021 tăng mạnh nhưng do thời tiết thuận lợi và nhu cầu xây dựng nhà và các công trình phục vụ sản xuất kinh doanh ở khu vực dân cư có xu hướng tăng.

Năm 2022, để giá trị sản xuất toàn ngành và giá trị sản xuất xây dựng duy trì và có mức tăng trưởng nhanh hơn, chính quyền các cấp, các ngành cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác hỗ trợ, đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án, đặc biệt là các dự án được bố trí từ nguồn vốn của trung ương và tỉnh.

Các chủ đầu tư, đơn vị được giao quản lý dự án tiến hành rà soát khối lượng công việc, khả năng hoàn thành kế hoạch vốn được giao, nhu cầu vốn của các công trình để đề xuất phương án điều chuyển, bổ sung hợp lý theo quy định.

Đồng thời, nâng cao vai trò của cộng đồng trong việc đồng thuận, tham gia giám sát các chương trình, dự án trên địa bàn, qua đó làm tăng tính minh bạch, công khai, tránh lãng phí cũng như đảm bảo hiệu quả đầu tư của Nhà nước.

Theo Báo Yên Bái

Bài viết mới nhất: