Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2021) – Khơi dậy ý chí, khát vọng của nông dân Yên Bái trong xây dựng nông thôn mới bền vững

Phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, lao động sáng tạo với khát vọng vươn lên làm giàu, nông dân và tổ chức Hội Nông dân tỉnh được cấp ủy các cấp chăm lo xây dựng, đã và đang từng bước thể hiện vai trò chủ thể, trung tâm nòng cốt trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng – an ninh địa phương.

Đồng chí Giàng A Câu – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh (thứ hai, trái sang) thăm mô hình ươm quế giống của nông dân xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các sở, ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền cùng sự nỗ lực của các cấp Hội và hội viên nông dân, công tác Hội và phong trào nông dân Yên Bái đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Yên Bái lần thứ IX đã đề ra.
Phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, lao động sáng tạo với khát vọng vươn lên làm giàu, nông dân và tổ chức Hội Nông dân tỉnh được cấp ủy các cấp chăm lo xây dựng, đã và đang từng bước thể hiện vai trò chủ thể, trung tâm nòng cốt trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (XDNTM), góp phần phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng – an ninh địa phương.
Đời sống nhân dân nói chung và hội viên, nông dân nói riêng đã được cải thiện rõ rệt. Năm 2020, mức thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn Yên Bái đã đạt 32 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 17,68% năm 2018 xuống còn 7,04% năm 2020.
Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM đã đạt kết quả toàn diện, đưa Yên Bái trở thành điểm sáng trong khu vực Tây Bắc với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. Người dân đã thực sự trở thành chủ thể trong XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu nhờ những đóng góp trí tuệ, công sức, vật lực XDNTM theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh có trên 50% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM, thành phố Yên Bái hoàn thành nhiệm vụ XDNTM, huyện Trấn Yên trở thành huyện miền núi đầu tiên của khu vực Tây Bắc đạt chuẩn NTM. Đời sống văn hóa nông thôn được quan tâm với hệ thống thông tin truyền thông từng bước hiện đại hóa. Hệ thống nước sạch, vệ sinh môi trường có bước cải thiện. Hệ thống chính trị ở cơ sở nông thôn được đổi mới, nâng cao một bước chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Có được kết quả đó, ngoài sự nỗ lực vượt bậc và ý chí, khát vọng vươn lên của các hội viên nông dân còn có sự chủ động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hoạt động.
Nông dân Yên Bái đẩy mạnh đưa những giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao và ứng dụng khoa học vào sản xuất. Trong ảnh: Mô hình trồng dưa lưới tại xã Liễu Đô, huyện Lục Yên. (Ảnh: T.L)
Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh có 8.303 hội viên nông dân được kết nạp mới, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 116.946 người, chiếm 80,5% số hộ nông nghiệp toàn tỉnh. Để hoàn thành “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả vừa sản xuất, kinh doanh, góp sức XDNTM, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội thực hiện công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; chỉ đạo 9/9 huyện, thị, thành Hội thiết lập nhóm Zalo, Fanpage Hội Nông dân huyện để chỉ đạo, điều hành, tuyên truyền, quán triệt, nắm bắt tình hình cơ sở và hội viên.
Hưởng ứng Cuộc vận động ủng hộ “Triệu phần quà, ngàn tấn nông sản nghĩa tình” tiếp sức đồng bào miền Nam phòng, chống đại dịch Covid-19, 9 tháng năm 2021, các cấp Hội nông dân toàn tỉnh đã vận động ủng hộ trên 500 triệu đồng, 20 tấn lương thực, thực phẩm; phát trên 20.000 tờ rơi khuyến cáo phòng chống dịch Covid-19.
Nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện giúp nông dân nghèo vươn lên, các cấp Hội trong tỉnh còn tham mưu với cấp ủy, chính quyền hàng năm trích ngân sách bổ sung nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân; vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, hội viên, nông dân đóng góp, ủng hộ xây dựng Quỹ. Tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân, trọng tâm hỗ trợ nông dân tham gia xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, sản xuất hàng hóa gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản. Kết quả đến nay, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân trong toàn tỉnh có 21,713 tỷ đồng, tăng 10,465 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ, tạo điều kiện cho 121 mô hình dự án với 636 hộ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả kinh tế cao.
Hiện tại, các cấp hội đang dư nợ ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội 946,184 tỷ đồng thông qua 633 tổ tiết kiệm và vay vốn cho 22.179 hộ nghèo và đối tượng chính sách khác vay vốn phát triển sản xuất; dư nợ tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 491,495 tỷ đồng thông qua 275 tổ vay vốn cho 5.517 hộ vay vốn.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, hàng năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh xây dựng kế hoạch, văn bản hướng dẫn chỉ đạo các cấp Hội vận động hội viên, nông dân phát huy vai trò chủ thể của nông dân tham gia XDNTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, thiết thực như: tham gia hiến đất, hiến của, hiến công lao động tham gia xây dựng và duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng nông thôn.
Theo đó, từ năm 2018 đến nay, các cấp Hội đã vận động hội viên nông dân hiến gần 200.000 m2 đất, đóng góp hàng nghìn ngày công lao động; trên 22 tỷ đồng để làm mới, nâng cấp, sửa chữa, mở rộng trên 1.760 km đường giao thông nông thôn và gần 2.500 km kênh mương nội đồng, các công trình hạ tầng nông thôn.
Chủ động phối hợp tuyên truyền vận động hội viên, nông dân thực hiện phong trào thi đua, các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh”; ”Yên Bái chung sức XDNTM” với trên 81% hộ nông dân đạt danh hiệu gia đình văn hóa mỗi năm.
Tranh thủ các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Đảng, Nhà nước, các cấp Hội đã chủ động phối hợp triển khai các dự án phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn; vận động hội viên, nông dân tham gia các chương trình, dự án; các mô hình thí điểm; tham gia chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tái cơ cấu ngành nông nghiệp…, góp phần hình thành các vùng chuyên canh sản xuất, vùng nguyên liệu, cải thiện sản xuất, từng bước đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho hộ gia đình, thu hút sự tham gia của các hộ hội viên, nông dân.
Đặc biệt, thực hiện các chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, trong hơn 2 năm qua, các cấp Hội đã chủ trì, phối hợp hướng dẫn xây dựng 11 sản phẩm OCOP, xây dựng 19 mô hình theo chuỗi giá trị, 32 hợp tác xã, 437 tổ hợp tác, 159 mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với tổ hợp tác, hợp tác xã, 6 mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, thu hút 17 doanh nghiệp, nhà đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng 87 mô hình thực hiện tiêu chí về môi trường, thu gom rác thải, đảm bảo xanh, sạch, đẹp, giúp đỡ 5 thôn đặc biệt khó khăn XDNTM, xây dựng và duy trì 107 tuyến đường tự quản, 98 tuyến đường thắp sáng đường quê.
Với những kết quả đã đạt được trong công tác Hội và phong trào Hội nông dân những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã được Tỉnh ủy Yên Bái và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đánh giá là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao hàng năm.
Phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên của hội viên, nông dân trong XDNTM bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp hội tuyên truyền, vận động hội viên kiên trì, quyết tâm, thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”; hướng dẫn hội viên nông dân tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của mình trong XDNTM; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nông dân trong tỉnh thấm nhuần và trực tiếp thụ hưởng hiệu quả của các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước của địa phương về phát triển nông nghiệp, XDNTM như: Nghị quyết số 20-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với XDNTM bền vững; Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 – 2025; Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với XDNTM tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 – 2025”.
Sâu sát cơ sở, nắm chắc tình hình thực trạng nông nghiệp, nông thôn, nông dân, những băn khoăn, trăn trở của nông dân; những vấn đề bất cập trong thực hiện các nghị quyết, cơ chế chính sách của tỉnh để phản ánh với Tỉnh ủy, HĐND – UBND tỉnh và các cơ quan hữu quan chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết kịp thời, đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên nông dân.
Tích cực nghiên cứu, phối hợp tham mưu xây dựng các cơ chế chính sách mới, trong đó coi trọng chính sách ưu đãi kêu gọi, thu hút, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông – lâm nghiệp, thủy sản, vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng hình thành diện tích đạt chứng chỉ FSC, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng thu ngân sách, nâng cao giá trị sản xuất nông – lâm nghiệp gắn với liên kết chuỗi và chuyển một phần lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, dịch vụ.
Đối với bộ phận nông dân vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số, Hội Nông dân tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch riêng chủ động phối hợp các ngành, địa phương tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ, đào tạo nghề để nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất, kinh doanh cho nông dân; phối hợp tư vấn, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động tìm giải pháp đầu ra cho nông sản, nhất là các sản phẩm đặc sản, bản địa.
Qua đó, từng bước khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tập quán canh tác lạc hậu, tình trạng làm ăn nhỏ lẻ, manh mún trong một bộ phận nông dân vùng cao, hướng tới xây dựng kinh tế trang trại, gia trại, các mô hình kinh tế tập thể liên kết theo chuỗi…, góp phần quan trọng cùng cả hệ thống chính trị trong tỉnh thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX đã đề ra.
Theo Báo Yên Bái
Bài viết mới nhất: