Yên Bái là tỉnh có tài nguyên khoáng sản phong phú với nhiều loại khoáng sản như: sắt, đồng, chì, kẽm, cao lanh, felspat, cát, sỏi…; trong đó, đáng kể là đá vôi trắng với trữ lượng khoảng 2.500 triệu mét khối, quặng sắt với trữ lượng khoảng 200 triệu tấn.
Những năm qua, phát huy thế mạnh của địa phương, tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho nhiều dự án khai thác, chế biến khoáng sản hoạt động trên địa bàn tỉnh, tiêu biểu là các dự án: đầu tư khai thác đá vôi trắng mỏ Cốc Há II, thị trấn Yên Thế và xã Liễu Đô, huyện Lục Yên của Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam; Khai thác quặng sắt mỏ núi 300, xã Hưng Thịnh và xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên của Công ty cổ phần Khai khoáng Minh Đức; chế biến khoáng sản của Công ty TNHH Một thành viên Đá trắng Bảo Lai tại xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình…
Các dự án đi vào hoạt động đã tạo việc làm cho lao động địa phương, đóng góp vào ngân sách Nhà nước thông qua các khoản thuế, phí và tiền cấp quyền. Năm 2020, đóng góp vào ngân sách Nhà nước khoảng hơn 500 tỷ đồng, tạo việc làm và tăng thu nhập cho khoảng 2.300 lao động.
Ngoài các đóng góp trực tiếp đó, các dự án khai thác, chế biến khoáng sản đã góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp và tạo điều kiện để các ngành dịch vụ khác phát triển.
“Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản, các đơn vị được cấp giấy phép khai thác đã thực hiện tốt trách nhiệm của đơn vị khai thác khoáng sản đối với địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác như: đóng góp trong việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, trạm điện, cầu cống…; xây dựng các công trình công cộng như trường học, nhà trẻ, nhà văn hóa…; xây dựng các công trình bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản…” – ông Lê Công Tiến – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết.
Tuy nhiên, cũng như các ngành công nghiệp khác, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản không tránh khỏi có những tác động tiêu cực đến môi trường và đời sống của người dân nơi có mỏ được khai thác. “Trên địa bàn tỉnh, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đã từng ảnh hưởng đến đời sống người dân, như: chế biến tại mỏ sắt làng Mỵ, khai thác đá cảnh Suối Giàng, khai thác đất san lấp trên địa bàn huyện Văn Yên…” – ông Lê Công Tiến cho biết thêm.
Để hạn chế những tác động tiêu cực do hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản gây ra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã và đang tham mưu với tỉnh các biện pháp để tăng cường công tác quản lý. Theo đó, tham mưu với UBND tỉnh trên cơ sở văn bản quy phạm pháp luật của trung ương, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh cho phù hợp với thực tế tại địa phương.
Tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các nghị quyết, chỉ thị tăng cường công tác quản lý, gần đây là Nghị quyết số 50-NQ/TU ngày 19/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường năng lực lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý tài nguyên đất đai, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 – 2025, cụ thể hóa Nghị quyết bằng Chương trình hành động số 13/CTr-UBND ngày 28/9/2021; theo đó, phân công cụ thể cho từng ngành, UBND các cấp trong công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Tham mưu với UBND tỉnh ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh; ký Quy chế phối hợp trong công tác quản lý khoáng sản với 6 tỉnh có địa giới hành chính giáp ranh…
Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản của các đơn vị đã được cấp Giấy phép, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Năm 2020 và 2021 đã tổ chức 14 cuộc thanh tra, kiểm tra liên quan đến lĩnh vực khoáng sản, qua đó phát hiện vi phạm và xử lý hành chính đối với 57 tổ chức, cá nhân với số tiền xử phạt hơn 6 tỷ đồng.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản để người dân cũng như doanh nghiệp nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.