Thanh âm từ cuộc chiến vệ quốc

Trong ca khúc “Chiến đấu vì độc lập tự do” của nhạc sĩ Phạm Tuyên có đoạn: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới/ Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới… Lửa đã cháy và máu đã đổ, trên khắp dải biên cương”. Mờ sáng ngày 17/2/1979, 60 vạn quân Trung Quốc đồng loạt vượt đường biên giới dài tới 1.400 km, tấn công 6 tỉnh phía bắc Việt Nam gồm: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai, Yên Bái), Lai Châu.

Những người lính tuổi 18, 20 tham gia mặt trận Vị Xuyên.

Ngày đó, gia đình tôi cư trú ở huyện Văn Yên. 2 trong số 4 anh em tôi đã được bố mẹ gửi về quê Thanh Hóa sống với ông bà nội, gọi là đi sơ tán. Sau một năm học ở quê, trở lại Yên Bái đồng rừng, 7 – 8 tuổi trong tâm thức tôi không nhớ và không tìm hiểu về nó. Nhưng tôi đã đọc và thích cái sự “hiểu biết” về cuộc chiến của một tác giả có lẽ cùng xấp tuổi mình.

“Đó là những câu chuyện lịch sử đầu tiên đi vào ý thức của tôi. Ở cái tuổi đó, tôi chưa thể hiểu sâu xa, logic về một cuộc chiến tranh. Qua những lời kể của cha, tôi chỉ biết được vài thứ đơn giản, vụn vặt về cuộc chiến này. Chẳng hạn sau khi giải phóng miền Nam năm 1975, cha tôi ở lại miền Nam đóng quân ở sân bay Tân Sơn Nhất, sau ông đã được đơn vị điều ra Bắc, lên mặt trận Lạng Sơn để kiểm tra công tác chuẩn bị trận địa. Trong cuộc chiến này, phía Trung Quốc đã dùng chiến thuật “lấy thịt đè người”.

Trong chiến đấu bộ đội ta đã rất anh dũng, bắn đến đỏ nòng súng mà quân Trung Quốc vẫn tràn lên, do họ quá đông người. Ông cũng cho biết một loại vũ khí rất mạnh lúc đó, mang tên là Kachiusa do Liên Xô sản xuất, cung cấp, một phần nhờ vũ khí đó mà quân Trung Quốc mới bị đẩy lùi, rồi thì nhờ Liên Xô dùng máy bay cỡ lớn vận chuyển bộ đội chủ lực của ta từ chiến trường Campuchia ra Bắc để đánh địch.

Đồng đội của cha tôi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng kể về thời gian này, tôi nhớ nhất là câu chuyện kể về những ngày tháng khó khăn, thiếu thốn đó, đơn vị của chú phải ăn mắm tôm rang. Còn chú ruột tôi thì kể ông đã bị thương trong cuộc chiến đấu…”.

Vũ khí do bộ đội Việt Nam thu được của địch tại huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, tháng 2/1979.

Một cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới oanh liệt của nhân dân ta, được thế giới ủng hộ. Nhưng trước tiên là khí thế sôi sục, lòng căm thù của người dân ở một đất nước yêu chuộng hòa bình vừa ra khỏi cuộc kháng chiến chống Mỹ chưa đầy 4 năm. Tháng 3/1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã công bố lệnh tổng động viên trong cả nước để bảo vệ Tổ quốc.

Hưởng ứng lời kêu gọi này, hàng vạn thanh niên, trí thức cùng đồng bào, nhân dân cả nước đã hết sức chi viện, ủng hộ tiền tuyến. Đang là sinh viên năm thứ 3 ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sinh viên Nguyễn Chiều – cũng giống như bao thanh niên, sinh viên đang hừng hực sức trẻ, sự quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược.

Khi ấy, anh vừa giải ngũ sau cuộc kháng chiến chống Mỹ trở về năm 1976. “Tôi nghe thấy và viết đơn xin tái ngũ ngay. Lúc đó trẻ, răng sắc, cắn đầu ngón tay một tí thôi. Máu ra, tôi viết trực tiếp lên mảnh giấy đó. Có nhiều người viết đơn, có người viết bằng bút mực, viết bằng máu. Trong đó, tôi và một anh bạn cùng lớp viết đơn xin tái ngũ bằng máu. Điều này để thể hiện sự quyết tâm của nhân dân chúng ta trong cuộc chiến bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc” – ông Chiều kể vậy sau 40 năm xảy ra cuộc chiến.

“Cho tôi trở lại quân đội để bảo vệ Tổ quốc” – đơn tái ngũ của Nguyễn Chiều không được chấp nhận, nhưng rõ ràng, khi đất nước lâm nguy, vận mệnh của cả dân tộc bị đe dọa, những người lính, thế hệ sinh viên lúc bấy giờ sẵn sàng buông bút để cầm súng chiến đấu – một khí phách Việt Nam. Tinh thần chiến đấu anh dũng kiên cường, gìn giữ từng tấc đất biên cương.

Bộ đội ta trên đường hành quân lên biên giới.

Ở Lào Cai, địch tập trung bắn phá 8 đồn biên phòng – các mục tiêu phòng thủ của ta từ Pha Long đến A Mú Sung. Cuộc chiến đấu ở đồn Pha Long diễn ra vô cùng quyết liệt, trong 4 ngày chúng tổ chức 20 lần với 5 đợt tấn công lớn hy vọng đè bẹp sức kháng cự của chiến sĩ ta. Trong lịch sử truyền thống của đồn, còn ghi 2 bức điện rất xúc động.

Đó là bức điện đánh đi trưa 18/2 có nội dung: “Đồn Pha Long bị bao vây, địch đã chiếm hết các chốt của ta, lực lượng thương vong nhiều, nhưng anh em chúng tôi còn lại kiên quyết không rời vị trí chiến đấu, dù còn một người cũng chiến đấu”. Bức điện thứ hai được Ban Chỉ huy đồn đánh đi lúc 11 giờ ngày 19/2 có nội dung: “Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn. Xin vĩnh biệt các đồng chí”.

Lịch sử truyền thống của đồn đã khắc ghi những chiến sĩ anh dũng chiến đấu quên mình vì biên cương của Tổ quốc. Đó là đồn phó Nguyễn Anh Đức, đảng viên Lê Khắc Xuân; chính trị viên Trần Xuân Ngọc. Trong cuộc chiến đấu này, nhà báo Bùi Nguyên Khiết của Báo Hoàng Liên Sơn đã hy sinh ở chốt Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương.

Với nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc là một câu chuyện buồn trong lịch sử, một câu chuyện buồn trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Dẫu vậy, nó vẫn là lịch sử.

Và đã là lịch sử thì phải nhìn nhận nó với sự thật đủ. Sẽ không thể không nhắc đến ngày 17/2/1979, ngày mà cuộc chiến biên giới phía Bắc nổ ra, ngày mà hàng ngàn con em chúng ta đã hy sinh để bảo vệ biên cương của Tổ quốc…

Việt Nam là một dân tộc hòa hiếu. Xưa đến nay, ta rất chú trọng xây dựng quan hệ láng giềng tốt với Trung Quốc dù trong lịch sử hai nước đã có bao lần xung đột. Trong tình hình hiện nay, chúng ta cần một môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước và cần những ban bè tốt để hợp tác nên Việt Nam càng coi trọng quan hệ hữu nghị với Trung Quốc…

Nhưng như bất cứ dân tộc nào, chủ quyền quốc gia đối với Việt Nam là thiêng liêng và chúng ta sẽ kiên quyết bảo vệ bằng mọi giá, đồng thời chúng ta chủ trương mọi tranh chấp lãnh thổ được giải quyết bằng phương pháp hòa bình, có sự tôn trọng lẫn nhau.

Các học giả cho rằng, ghi nhớ nỗi đau để chúng ta trân trọng hòa bình, để những ký ức về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 – 1989) không bao giờ bị xóa nhòa trong lòng mỗi người dân đất Việt. Lịch sử đã đi qua nhưng giá trị lớn nhất của các sự kiện, kiến thức lịch sử là để lại cho hậu thế những bài học lịch sử, kinh nghiệm lịch sử vẫn luôn tươi nguyên giá trị thực cho hiện tại và tương lai.

“Điều đó luôn nhắc nhớ những người viết sử, dạy sử và học sử không để các sự kiện về các cuộc đấu tranh bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền biên giới, hải đảo bị rơi vào quên lãng, bị chìm vào dĩ vãng vì bất cứ lý do gì. Nếu quên lãng, không chỉ là sai lầm của chúng ta mà chính chúng ta còn có tội với lịch sử, có lỗi với vong linh những người đã ngã xuống vì sự toàn vẹn lãnh thổ và cả sự thiếu trách nhiệm với hậu thế. Cái đích cuối cùng của nghiên cứu và giảng dạy lịch sử không phải chỉ để biết, hiểu quá khứ mà phải trên cơ sở đó để tìm ra những giá trị hữu ích cho cuộc sống hiện tại và tương lai” – thầy giáo Trần Trung Hiếu – Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An bày tỏ. Tất cả đã rõ ràng, ngày 17/2 sẽ luôn được nhắc đến. Sử sách sẽ nêu đầy đủ để thế hệ mai sau mãi tự hào và phát huy truyền thống yêu nước quật cường của dân tộc Việt Nam.

Theo Báo Yên Bái

Bài viết mới nhất: