DÂN VẬN KHÉO GÓP PHẦN ĐẦY LÙI TÀ ĐẠO TRONG ĐỒNG BÀO MÔNG Ở YÊN BÁI

Lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá cách mạng nước ta là thủ đoạn hết sức thâm độc trong chiến lược “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào dân tộc Mông còn nhiều khó khăn, dân trí không đồng đều, địa bàn sinh sống không tập trung… để đẩy mạnh việc tuyên truyền tà đạo “Giê sùa” và “Bà cô Dợ”- hình thức biến tướng của Tin lành với bản chất là mê tín dị đoan, hoang đường, xuyên tạc Kinh thánh, lợi dụng vấn đề tôn giáo để tuyên truyền, lôi kéo người tham gia hoạt động lập “Nhà nước Mông”.

Cán bộ chiến sỹ Công an huyện Mù Cang Chải đến các gia đình đồng bào tuyên truyền bà con nhân dân về pháp luật xoá bỏ hủ tục trong tôn giáo

Tà đạo tiềm ẩn mất an ninh và ảnh hưởng đến đời sống của đồng bào dân tộc Mông

Yên Bái là tỉnh miền núi thuộc vùng trung du và miền núi Bắc với diện tích tự nhiên 6.892,6 km2, dân số trên 85 vạn người, có trên 30 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 57%. Trong đó, riêng dân tộc Mông chiếm 13,03% . Đồng bào dân tộc Mông ở Yên Bái thường cư trú tập trung đông nhất tại các vùng núi cao ở các huyện: Mù Cang Chải , Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên và rải rác tại các huyện, thị xã, thành phố còn lại.

Đối tượng tham gia của tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” chủ yếu là người Mông theo các hệ phái Tin lành như: Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc), Hội thánh Tin lành Truyền giáo Phúc âm…, thân nhân, người nhà của số đối tượng cầm đầu, cốt cán và một bộ phận người dân tộc Mông thiếu hiểu biết, khó khăn về đời sống kinh tế nên dễ bị lôi kéo, mua chuộc. Địa bàn ảnh hưởng và hoạt động của “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” chủ yếu tại các bản, xã vùng sâu, vùng xa, biên giới các tỉnh phía Bắc .

Các đối tượng cầm đầu các tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” ở nước ngoài đã triệt để sử dụng phương thức, thủ đoạn thông qua điện thoại, mạng xã hội, các phần mềm họp trực tuyến để chỉ đạo số đối tượng cốt cán ở trong nước tích cực tuyên truyền, lôi kéo người Mông tham gia với mục đích kích động tư tưởng ly khai, tự trị, tập hợp lực lượng lập “Nhà nước Mông”.

Các đối tượng hiện nay lợi dụng vào sự thiếu hiểu biết của bà con đồng bào dân tộc Mông ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế, tác động trực tiếp, cho bà con xem cả phim, video về các nước tiên tiến để kêu gọi, tác động lên vấn đề tôn giáo, dân tộc, viết các bài xuyên tạc bằng tiếng Mông Latin rồi móc nối, kêu gọi bà con đồng bào Mông ở vùng sâu, vùng xa đi theo cái gọi là “Nhà nước Mông”.

Do có cùng với đặc điểm tâm lý, phong tục tập quán chung với đồng bào dân tộc Mông Tây Bắc, nên một số người dân tộc Mông ở Yên Bái cũng bị tác động ảnh hưởng, có người đã di cư đến tỉnh Điện Biên, Lai Châu, một số tỉnh ở Tây Nguyên, cá biệt có người Mông ở các huyện Văn Yên, Trạm Tấu, Văn Chấn, Mù Cang Chải, thị xã Nghĩa Lộ đã bị dụ dỗ mù quáng tin theo. Từ đó, xuất cảnh trái phép sang Lào, Trung Quốc để tìm hiểu về hoạt động thành lập “Nhà nước Mông” hoặc đến tỉnh Lai Châu học võ, học “đạo”; có trường hợp bán hết tài sản, nhà cửa để lấy tiền ủng hộ cho các đối tượng xấu…

Qua nắm bắt của các cơ quan chức năng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có 6 hộ với 40 khẩu người dân tộc Mông ở huyện Trạm Tấu và Văn Chấn tham gia tổ chức “Giê Sùa” .

Theo Trung tá Giàng A Nủ, Trưởng Công an xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, các loại tà đạo xâm nhập vào địa bàn gây mất an ninh trật tự, tranh chấp tôn giáo, gây bức xúc trong dư luận, công tác đấu tranh cũng rất khó khăn.

Hậu quả trước mắt mà đồng bào gặp phải là mất nhà cửa, ruộng vườn, trâu bò, con cái thất học, cuộc sống nghèo đói, nợ nần, lam lũ. Mặt khác các hoạt động của các tà đạo trái phép sẽ ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, nếu chúng ta không kịp thời ngăn chặn thì nguy cơ  mất an ninh trật tự rất lớn, tiềm ẩn việc bà con nhân dân sẽ bị lôi kéo, đòi ly khai, tự trị, thành lập Nhà nước riêng và tham gia các hoạt động mang tính mê tín dị đoan, hoang đường…Tuy nhiên đến nay, các đối tượng tham gia đạo trái phép đã được tuyên truyền, vận động và quay trở lại sinh hoạt theo tín ngưỡng truyền thống của đồng bào dân tộc Mông hoặc các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, do vậy trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra hoạt động lập “Nhà nước Mông”

Nỗ lực tuyên truyền, vận động và ngăn chặn tà đạo

Mặc dù đã được lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động nhưng hiện nay, vẫn còn một bộ phận đồng bào dân tộc Mông bị ảnh hưởng bởi các luận điệu tuyên truyền của các đối tượng cầm đầu bên ngoài, vẫn còn lén lút tin theo và tham gia sinh hoạt tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” trên mạng xã hội hoặc ẩn thân vào các tổ chức tôn giáo hợp pháp để chờ thời cơ thuận lợi để tái hoạt động trở lại gây phức tạp về tình hình an ninh, trật tự trong vùng đồng bào dân tộc Mông.

Cán bộ Công an tỉnh Yên Bái tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc Mông huyện Trạm Tấu

Thượng tá Vũ Đức Chung, Phó Trưởng phòng An ninh Nội địa, Công an tỉnh Yên Bái cho biết phòng An ninh Nội địa đã đề xuất với lãnh đạo Công an tỉnh tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành các chỉ thị, kế hoạch, trong đó phân công nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, Ủy ban Nhân dân các cấp, thể hiện sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong đấu tranh phòng, chống tổ chức “Giê sùa” nói riêng và các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp nói chung trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở đó, các địa phương trong tỉnh Yên Bái cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền lồng ghép trong các buổi họp thôn, sinh hoạt chi bộ… để người dân hiểu biết pháp luật hơn. Đồng thời, phát huy vai trò của người uy tín trong cộng đồng để vun đắp tình đoàn kết trong nhân dân, xây dựng đời sống lành mạnh.

Cán bộ các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang đã tăng cường xuống địa bàn tuyên truyền, vận động quần chúng và đấu tranh, ngăn chặn, xóa bỏ hai tà đạo, đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở. Cơ quan chức năng cũng tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc với dân kết hợp với chiếu phim tuyên truyền tại các bản bị ảnh hưởng.

Công an huyện Mù Cang Chải tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào Mông, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải

Đồng chí Mùa A Chống – Bí thư Chi bộ bản Háng Phừ Loa, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải khẳng định: Từ tích cực vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; thường xuyên, liên tục thực hiện công tác tuần tra với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng nhân khẩu”, nên nội bộ Nhân dân đoàn kết, tỷ lệ tái phạm tội không còn xảy ra, người nghiện trên địa bàn giảm nhiều, không có tà đạo cũng như các hoạt động mê tín dị đoan trên địa bàn; công tác tuyên truyền vận động tích cực tham gia phòng chống, tội phạm được duy trì thường xuyên; tỷ lệ xuất cảnh trái phép giảm…

Những địa phương phát hiện có người tham gia tà đạo tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ”, Đảng ủy, chính quyền và các đoàn thể đã thành lập các tổ công tác để tuyên truyền, vận động từng hộ gia đình, giải thích các chính sách, quy định pháp luật của Nhà nước để người dân hiểu và không theo tà đạo “Giê sùa” và “ bà Cô Dợ” .

Là người có uy tín trong cộng đồng, ông Vừ Giống Củ, thôn Khe Kẹn, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn cho biết: Trong các cuộc họp, ông cùng các cấp ủy Chi bộ luôn động viên, hướng dẫn người dân không vi phạm pháp luật, làm ăn buôn bán chính đáng để phát triển kinh tế, góp sức làm giàu cho chính gia đình mình và quê hương, không vi phạm những điều Nhà nước không cho phép.

Anh Trảo A Tống, ở thôn Đồng Hẻo, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn tìm hiểu “Giê sùa” từ năm 2016, chia sẻ: Sau khi đi theo tổ chức này, anh bị các đối tượng trong tổ chức thường xuyên xúi giục nói xấu, chống phá chính quyền. May mắn nhờ được chính quyền và lực lượng Công an tuyên truyền nên anh đã nhận thức được “Giê sùa” là tổ chức hoạt động phi pháp, việc tham gia là vi phạm pháp luật. Nhờ đó, nhiều người từng bị ảnh hưởng bởi tổ chức tôn giáo bất hợp pháp đã cởi mở, hòa đồng hơn và tin tưởng theo đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia phát triển kinh tế, không bỏ quê hương, gia đình đi theo các đối tượng xấu.

Cán bộ, chiến sĩ Công an xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu trao đổi thông tin bảo đảm an ninh – trật tự với người dân bản Pa Khoang.

Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng công an các cấp còn chủ động nắm chắc tình hình, đẩy mạnh Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tổ chức vận động tập trung, cá biệt để nhân dân nhận thức rõ được bản chất của các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp như: “Giê sùa”, “Ân điển cứu rỗi”… Nhờ đó, đến nay đã có 5 hộ 32 khẩu từ bỏ tổ chức “Giê sùa” để quay trở lại sinh hoạt theo tín ngưỡng truyền thống của đồng bào dân tộc Mông hoặc các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận.

Đồng chí Lò Văn Tiếp – Chủ tịch UBND xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu cho biết: “Địa phương đã phát huy vai trò tích cực người có uy tín trong nắm tình hình, diễn biến hoạt động của số đối tượng liên quan đến việc tuyên truyền phát triển tôn giáo trái pháp luật, kích động, lôi kéo gây chia rẽ khối đại đoàn kết”.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền ở từng cấp; sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị là cơ sở để Yên Bái củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn; góp phần xây dựng, phát triển kinh tế- xã hội, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm những vướng mắc nảy sinh ngay tại cơ sở, không để bị động, bất ngờ, trở thành điểm nóng, phức tạp về an ninh chính trị  trên địa bàn.

 

Đoàn kết, hòa nhập và vươn lên

 

Trong cuộc thiên di để thoát họa diệt vong vài trăm năm trước, người Mông ở Việt Nam nói chung và ở Yên Bái nói riêng thường sinh sống ở những nơi núi cao, biệt lập, không chỉ đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt mà còn phải đối mặt với thú rừng nguy hiểm. Chính sống trong những điều kiện khắc nghiệt ấy đã tạo cho người Mông những phẩm chất tốt đẹp, dũng cảm và bền bỉ để họ đủ sức sinh tồn và phát triển.

Trong lịch sử oai hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam có một phần đóng góp to lớn của đồng bào Mông ở vùng Tây Bắc nói chung và ở tỉnh Yên Bái nói riêng, tiêu biểu như Đội du kích người Mông trong khu căn cứ Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải do đồng chí Lý Nụ Chu chỉ huy đã làm chủ tuyến đường kháng chiến Nghĩa Lộ, Mù Căng Chải, Than Uyên… làm cho giặc Pháp bị thiệt hại nặng nề nên thực dân Pháp đã tăng cường bao vây nhằm tiêu diệt du kích, nhưng du kích người Mông Cao Phạ vẫn tự giải thoát, cướp vũ khí giặc giải cứu đồng bào bị địch kìm kẹp, bắt bớ ở vùng Nghĩa Lộ. …

Đội du kích Khau Phạ (xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải)

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, đồng bào Mông đã sát cánh chiến đấu cùng bộ đội và các dân tộc anh em trong công cuộc thống nhất đất nước và bảo vệ biên giới thiêng liêng đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong nhiều lĩnh vực…

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đã có hàng trăm chương trình, dự án, kế hoạch… về các lĩnh vực của đời sống dân sinh, đầu tư cho vùng đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Mông tỉnh Yên Bái nói riêng, đặc biệt là Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 23/9/1994 của Ban Bí thư (khóa VII) gắn với Kết luận 64 của Ban Bí thư về một số công tác ở vùng dân tộc Mông.

Chị Giàng Thị Lỳ ở bản Hồng Nhì Pá, xã Lao Chải cho biết: “Tôi là người dân bản Đề Sủa, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, sau khi bị cơn lũ dữ cuốn trôi tất cả, đến tháng 8 vừa qua thì tôi được cấp một mảnh đất ở khu tái định cư này. Ở đây, tôi được quan tâm dựng lại căn nhà mới, khang trang, an toàn; có điện, có nước sinh hoạt dẫn tới tận nhà. Sau bao nhiêu gian khó, giờ đây tôi rất vui vì cuộc sống đã dần ổn định”.

Đồng bào Mông cũng luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự tạo điều kiện của chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể nên có nhiều chuyển biến tích cực. Trên cơ sở đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã vận dụng linh hoạt đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, lồng ghép nhiều chương trình, dự án đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Từ các nguồn vốn lồng ghép như Chương trình 30a, 120, 134, 135… của Chính phủ, cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống đã được cải thiện đáng kể.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Chứng nhận công nhận nghệ thuật khèn, nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn

Tỉnh Yên Bái đã tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh phong trào thi đua  đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và xây dựng nông thôn mới; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, phát triển ngành nghề truyền thống, lựa chọn triển khai các mô hình trồng trọt, chăn nuôi trong chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương. Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng đời sống văn hóa, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc Mông.

Tỉnh cũng đã nghiên cứu triển khai thực hiện các chính sách mới về phát triển kinh tế – xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc nói chung và vùng đồng bào dân tộc Mông nói riêng. Tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội; đầu tư, quy hoạch dân cư để đồng bào dân tộc Mông có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực.

Đến nay, Đời sống đồng bào dần đi vào ổn định, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy, góp phần tăng cường tinh thần đoàn kết, xây dựng đời sống mới. Đã có 100% số xã trong vùng đồng bào dân tộc Mông có đường giao thông đến trung tâm, 100% số xã có điện lưới quốc gia; tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh còn lại là 13,08%; Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù họp đạt 97,6%. Tỷ lệ được sử dụng nước sinh hoạt họp vệ sinh đạt 93,5%.

Người Mông ở huyện Mù Cang Chải vui tết Độc lập

Anh Thào A Su ở xã La Pán Tẩn cho rằng: “Giờ bản tôi đã có đường bê tông, có điện. Con em tôi được quan tâm học hành, khám chữa bệnh có trạm y tế. Bản còn có thế mạnh về du lịch để chúng tôi khai thác làm du lịch, có việc làm và kiếm được tiền nuôi gia đình. Vợ chồng yêu thương, quan tâm, tôn trọng lẫn nhau. Vậy là hạnh phúc, chẳng mong cầu gì hơn”.

Nhiều hoạt động lễ hội văn hóa, du lịch thường niên của người Mông được phát huy, như Lễ hội khám phá danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang, Lễ hội Khèn Mông, Hoa Tớ Dày – Mù Cang Chải… góp phần đưa chỉ số hạnh phúc của người dân không ngừng được nâng lên … Đó là những bằng chứng đầy thuyết phục, thể hiện tính ưu việt của chế độ XHCN cũng như sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền của tỉnh Yên Bái đối với sự phát triển của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Mông nói riêng.

Đức Phương

Bài viết mới nhất: