Cần phát huy tốt “hạt giống” chính trị – Bài 2: Chi bộ là hạt nhân, đảng viên là nòng cốt

Chi bộ là tế bào của Đảng, là nơi trực tiếp đưa đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng đến với quần chúng, nhằm tuyên truyền, vận động, tập hợp, giáo dục, thuyết phục quần chúng quán triệt và thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng. Vì vậy, xây dựng chi bộ vững mạnh chính là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Trạm Tấu kiểm tra tình hình sản xuất lúa tại xã Hát Lừu.
Nói đi đôi với làm
Những năm trước đây, ở thôn Khe Bút, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, đường sá nắng thì bụi bặm, mưa thì lầy lội, nhà văn hóa xập xệ. Nhưng hôm nay, vùng đất này thay da đổi thịt từng ngày… Con đường bê tông sạch đẹp, rợp bóng cây xanh. Nhà văn hóa thôn rộng rãi, có sân bóng chuyền phục vụ bà con.
Đồng chí Đinh Thị Tuyến – Bí thư Chi bộ thôn Khe Bút phấn khởi: “Là thôn khó khăn của xã Lâm Giang, Chi bộ thôn Khe Bút có 25 đảng viên, luôn bảo đảm ít nhất mỗi tháng sinh hoạt 1 lần, còn sinh hoạt chuyên đề đảm bảo ít nhất mỗi quý 1 lần. Các buổi sinh hoạt luôn đổi mới nội dung nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Chi bộ đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức học tập theo chuyên đề tới đảng viên; quan tâm thường xuyên đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Đối với sinh hoạt chuyên đề, các vấn đề quan trọng, những việc làm khó, mang tính đột phá được lựa chọn để đưa vào sinh hoạt nhằm phát huy tinh thần dân chủ để tìm ra giải pháp thực hiện hiệu quả nhất. Chi bộ luôn coi trọng các ý kiến tham gia thảo luận trực tiếp của các đảng viên, phát huy quyền dân chủ trong Đảng”.
Nhờ đó, giai đoạn 2016 – 2021, Chi bộ đã vận động đảng viên và nhân dân đóng góp 250 triệu đồng, bê tông hóa gần 3 km đường liên thôn, đóng góp 160 triệu đồng tiền mặt xây dựng nghĩa trang nhân dân; đóng góp 40 triệu đồng xây dựng 1 km đường điện chiếu sáng và 1 km đường hoa; vận động nhân dân hưởng ứng phong trào làm cột theo mẫu để treo cờ Tổ quốc dọc các tuyến đường và thu gom rác thải tập trung, đảm bảo vệ sinh môi trường… cùng nhiều mô hình hiệu quả khác.
Từ trung tâm huyện Mù Cang Chải, sau gần 3 giờ đồng hồ ngược núi, đánh vật với những “ổ gà”, “ổ voi”, chúng tôi cũng đến được bản Pú Vá, xã Chế Tạo. Bí thư Chi bộ Sùng A Vàng cho biết: “Tôi vừa đi tuyên truyền về dịch bệnh Covid -19 cho bà con dân bản.
Vì thế, ý thức tự giác của người dân rất cao. Đa số bà con đều thấy phải nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Đều đặn 2 lượt mỗi ngày, chúng tôi mở loa phát thanh có nội dung tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch và các nội dung liên quan đến tình hình dịch bệnh.
Nội dung bài tuyên truyền được biên tập ngắn gọn, dễ hiểu, tập trung vào các văn bản, của tỉnh của huyện, của xã về phòng chống dịch Covid-19, giúp người dân dễ dàng nắm bắt và thực hiện tự phòng, chống dịch”. Trong phát triển kinh tế, bà con dân bản trước kia chỉ biết đốt nương, làm rẫy nên cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng.
Với cương vị Bí thư Chi bộ, đồng chí Sùng A Vàng luôn trăn trở tìm hướng giúp gia đình mình và người dân trong bản thoát cảnh đói nghèo. Để làm được điều đó thật không đơn giản, bởi người dân bản Pú Vá chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông.
Bằng sự hiểu biết và uy tín của mình, Bí thư Chi bộ Pú Vá cùng với đảng viên trong Chi bộ không quản ngày đêm, đến từng nhà vận động bà con chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, không nghe lời kẻ xấu, không di cư tự do, không truyền đạo trái phép, không đốt rừng làm rẫy.
Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn cũng tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm từng bước thay đổi tập tục sản xuất lạc hậu của đồng bào. Đến nay, các hủ tục dần được xóa bỏ. Từ chỗ chỉ có 1 đảng viên và phải sinh hoạt ghép, nhiệm kỳ 2015 – 2020, sau khi sáp nhập, Chi bộ Pú Vá có 15 đảng viên. Các đảng viên đi đầu trong khai hoang lúa nước, phát triển chăn nuôi, trồng thảo quả. Đến nay, Pú Vá có 34 ha ruộng nước, 16 ha nương ngô, 238 con trâu, bò, 200 con dê…
Muốn làm nhà lớn, nền móng phải tốt
Chi bộ thôn Sán Trá thuộc Đảng bộ xã Bản Công, huyện Trạm Tấu có 15 đảng viên. 100% đảng viên là người dân tộc thiểu số và hầu hết là đảng viên nông thôn nên đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.
Xác định được thế mạnh của Chi bộ, cấp ủy Chi bộ mà đứng đầu là Bí thư Chi bộ Thào A Cơ đã kịp thời cùng với Ban Chi ủy đề ra các mục tiêu định hướng nhằm phát huy tốt thế mạnh của thôn trong phát triển kinh tế; đồng thời, xây dựng được quy ước của thôn đẩy lùi các hủ tục như: tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh nhiều con…
Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của thôn giảm đáng kể và riêng trong đội ngũ đảng viên chỉ có 2 hộ nghèo. Để có được kết quả này, ngoài việc sâu sát, kịp thời đề ra các chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tế cơ sở trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ, Bí thư Chi bộ Thào A Cơ luôn là người gương mẫu thực hiện trước.
Đồng chí Cơ chia sẻ: “Với vai trò là Bí thư Chi bộ, bản thân tôi luôn tích cực gương mẫu chấp hành tốt quy định Điều lệ Đảng; kiên quyết đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái với quan điểm của Đảng. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động người thân, bà con trong thôn, đảng viên trong Chi bộ thực hiện tốt quy ước thôn, đặc biệt là xóa bỏ hủ tục để xây dựng nếp sống văn hóa mới…”.
Sự gương mẫu của Bí thư Chi bộ Thào A Cơ đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến các đảng viên trong toàn Chi bộ và tạo nên sự chuyển biến trong tư tưởng, hành động của mỗi đảng viên. Đảng viên Thào A Páo bày tỏ: “Bí thư Chi bộ Thào A Cơ luôn gương mẫu trong thực hiện mọi nhiệm vụ của Chi bộ. Đồng thời, mọi hoạt động trong cuộc sống hàng ngày từ việc trồng lúa, ngô, làm chuồng trại chăn nuôi gia súc…, Bí thư Cơ đều tiên phong làm trước để mọi người noi theo”.
Trạm Tấu có 113 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở; trong đó, có 25 chi bộ nhà trường – y tế, 1 chi bộ doanh nghiệp, 18 chi bộ lực lượng vũ trang, 57 chi bộ thôn, tổ dân phố và 12 chi bộ khối cơ quan Đảng, đoàn thể.
Nhiệm kỳ 2020 – 2022, bí thư các chi bộ trực thuộc trên địa bàn huyện phần lớn là người dân tộc thiểu số, có trình độ và năng lực để đảm nhiệm vai trò đứng đầu hạt nhân chính trị ở cơ sở. Trong đó, nhiều bí thư chi bộ đã có trình độ chuyên môn đại học, cao đẳng. Tất cả các bí thư chi bộ đều thực hiện kiêm nhiệm như: bí thư chi bộ đồng thời là thủ trưởng đơn vị; bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận; bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Mỗi người một lĩnh vực công tác khác nhau, nhưng ở họ đều có điểm chung là nêu cao tinh thần gương mẫu của người đứng đầu tổ chức cơ sở Đảng.
Đồng chí Giàng A Thào –  Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu cho biết: “Đối với huyện vùng cao như Trạm Tấu, để xây dựng chi bộ mạnh, thứ nhất là cần tranh thủ vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, trưởng các dòng họ trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; thứ hai, là tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong nội bộ. Nếu không đồng thuận thì dù cá nhân có năng lực cũng không phát huy được vai trò “hạt nhân” của chi bộ, không tạo được hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành. Chúng tôi đánh giá rất cao vai trò của đội ngũ bí thư chi bộ”.
“Đây là những đồng chí hiểu biết chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, trực tiếp ở cơ sở nên công tác lãnh đạo chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế – xã hội cũng như chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là đều do đội ngũ này. Do vậy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện luôn coi trọng đội ngũ bí thư chi bộ là những người có vai trò hết sức quan trọng vừa là người có uy tín, tiêu biểu vừa là người xuất sắc được đảng viên, quần chúng nhân dân tin tưởng”. Ông Thào nói.
Theo Báo Yên Bái
Bài viết mới nhất: