Với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, trong những năm qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực, triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số (CĐS) từng bước hoàn thiện “hệ sinh thái bảo hiểm xã hội 4.0” nhằm phục vụ tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Thời gian qua, BHXH tỉnh đã có những bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS để phục vụ công tác của ngành và phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó là đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán trực tuyến khi tham gia BHYT, BHXH tự nguyện thông qua các dịch vụ ngân hàng trực tuyến để chuyển tiền vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH.
Đặc biệt, các hoạt động chuyên môn trực tiếp của ngành đều thực hiện số hóa. Tiêu biểu như hoạt động liên thông dữ liệu Bộ Tư pháp trong việc đăng ký khai sinh và cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi thì Yên Bái là một trong những tỉnh thí điểm đầu tiên của cả nước, hiện nay 100% trẻ sau khi có giấy khai sinh sẽ có luôn thẻ BHYT nhờ sự kết nối liên thông này.
Đặc biệt, sau hơn một năm công bố và triển khai ứng dụng “VssID – BHXH số” trên thiết bị di động thông minh, toàn tỉnh đã có trên 80.000 tài khoản cài đặt và sử dụng ứng dụng.
Với ứng dụng này, người dùng có thể quản lý, kiểm soát các thông tin về quá trình thực hiện các dịch vụ BHXH, BHYT, thực hiện các dịch vụ công về BHXH, BHYT một cách tiện lợi, nhanh chóng, dễ dàng, tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại. Từ ngày 1/6/2021, người dân còn có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi khám, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc…
Để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình CĐS trong lĩnh vực an sinh xã hội, BHXH tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 06 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, BHXH tỉnh đã thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm theo chỉ đạo, hướng dẫn của BHXH Việt Nam, triển khai các ứng dụng theo nghiệp vụ chuyên môn như ứng dụng định danh điện tử thay thế thẻ BHYT để khám chữa bệnh, hiệu chỉnh thông tin căn cước công dân (CCCD) của người tham gia vào cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.
Tính đến hết tháng 6/2022 trên địa bàn tỉnh đã có trên 200.000 người có thẻ BHYT được đồng bộ với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư còn hiệu lực để đi khám chữa bệnh bằng CCCD. Với việc đồng bộ dữ liệu này, đến nay trên địa bàn tỉnh có gần 1.800 người sử dụng CCCD gắn chíp thay thế thẻ BHYT đi khám chữa bệnh và hệ thống tra cứu kết quả thành công. Toàn tỉnh cũng đã có 88/197 cơ sở khám chữa bệnh BHYT có bệnh nhân đến khám, chữa bệnh bằng thẻ CCCD.
Với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh CĐS, ứng dụng công nghệ thông tin theo phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, phát huy tối đa nền tảng, nguồn lực về cán bộ, cơ sở vật chất, công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, nghiệp vụ của ngành.
Ông Hoàng Văn Thủy – Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: “BHXH tỉnh tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bảo đảm sự đơn giản, dễ dàng, thuận tiện nhất cho doanh nghiệp, người dân; đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ, đẩy mạnh chi trả qua các tổ chức dịch vụ công, chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ…”.
Cùng với đó, ngành cũng sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với các sở, ngành, bảo đảm thông suốt, chính xác, nhanh chóng, an ninh an toàn, tạo thuận lợi cho việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai các nền tảng, giải pháp kỹ thuật mới phục vụ CĐS cho ngành, như việc xây dựng hệ thống phân tích xử lý dữ liệu lớn (big data), áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các hoạt động của ngành nhằm phục vụ tốt nhất quyền lợi cho đơn vị, doanh nghiệp và người dân.