Doanh nghiệp bưu chính – viễn thông Yên Bái góp phần xây dựng xã hội số
Yên Bái quan tâm, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Bưu chính – viễn thông (BCVT) phát huy vai trò ngành kinh tế, kỹ thuật, dịch vụ quan trọng phục vụ công tác quản lý, điều hành của Đảng và chính quyền, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ của các điểm bưu điện – văn hóa xã nhằm bảo đảm chất lượng khâu chuyển phát, thời gian toàn trình theo đúng quy định; tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh trong cung ứng dịch vụ bưu chính, ngăn chặn bưu gửi có nội dung chống phá Nhà nước.
Các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát triển khai thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh được giao, thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn, an ninh trong hoạt động bưu chính, chuyển phát; chưa để xảy ra mất mát, thất lạc bưu kiện; không có đơn thư khiếu nại về dịch vụ bưu chính. Đồng thời, xây dựng và tổ chức mạng phát, tuyến phát và thu gom bưu gửi tại địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu kinh doanh các dịch vụ. Công tác chăm sóc khách hàng được quan tâm, giám sát chặt chẽ, bảo đảm các đơn hàng đến và đi đều được đơn vị kiểm tra, chuyển đến tận tay khách hàng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: “Bưu điện tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ bưu chính, giao dịch viên chuyên nghiệp, bảo đảm an toàn chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội, thu tiền điện… Bên cạnh đó, tổ chức truyền thông tại điểm cung cấp dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; đã kết nối dịch vụ công trực tuyến với hệ thống điều hành các hoạt động công nghệ thông tin của bưu điện. Mạng lưới hoạt động ổn định, chất lượng bưu chính công ích đạt chỉ tiêu quy định, được đông đảo khách hàng tin dùng dịch vụ”.
Nhìn lại thời điểm năm 2004, Yên Bái chỉ có duy nhất 1 đơn vị cung cấp dịch vụ bưu chính là Bưu điện tỉnh. Qua 20 năm, lĩnh vực bưu chính có sự phát triển vượt bậc về mọi mặt: mạng lưới bưu chính phát triển rộng khắp với 15 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo đảm 100% số xã toàn tỉnh đều có điểm phục vụ bưu chính, mạng lưới chuyển phát đến tận cấp thôn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội; hệ thống bưu điện – văn hóa xã thực hiện tốt dịch vụ bưu chính công ích, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Đối với lĩnh vực viễn thông, 20 năm trước, toàn tỉnh chỉ có 15.911 thuê bao điện thoại cố định; mật độ điện thoại cố định trên 100 dân là 1,6 máy, thấp hơn nhiều so với mật độ trung bình cả nước lúc đó; thuê bao di động mới chỉ có vài nghìn; mạng Internet tập trung ở thành phố Yên Bái, một số thị trấn; các vùng nông thôn, miền núi hầu như chưa có hạ tầng Internet…
Trung tá Đỗ Thanh Tuấn – Giám đốc Viettel Yên Bái cho biết: “Cách đây 20 năm, Trạm Viễn thông di động đặt tại Đài Phát thanh và Truyền hình Yên Bái đã phát tín hiệu di động đầu tiên, mang đến cho người dân Yên Bái thêm một sự lựa chọn mới. Sau 20 năm, Viettel Yên Bái đã mạnh mẽ vươn lên để trở thành một doanh nghiệp viễn thông – công nghệ thông tin số 1 của tỉnh, có hạ tầng mạng lưới rộng nhất với hơn 600 vị trí trạm phát sóng, gần 5.800 km cáp quang đến 100% số xã; sóng 4G đã phủ đến vùng sâu, vùng xa, tương đương vùng phủ 2G và đưa vào thử nghiệm trạm phát sóng 5G đầu tiên ở Yên Bái. Năm 2024, Viettel Yên Bái đạt doanh thu hơn 500 tỷ đồng, có trên 420 nghìn thuê bao di động lũy kế toàn mạng, chiếm hơn 70% thị phần; đóng góp vào ngân sách Nhà nước mỗi năm hàng chục tỷ đồng”.
Những kết quả này cho thấy sự nỗ lực của Yên Bái trong việc đầu tư phát triển hạ tầng BCVT, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống và sản xuất, kinh doanh. Phủ sóng 4G, 5G rộng khắp cũng mở ra nhiều cơ hội phát triển các ứng dụng công nghệ mới như IOT, trí tuệ nhân tạo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thời đại số. Với những nỗ lực không ngừng, Yên Bái đang từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ chuyển đổi số quốc gia, hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội số hiện đại và phát triển bền vững.
Tính đến cuối năm 2024, số thuê bao điện thoại trên địa bàn tỉnh đạt 89 thuê bao/100 dân; số thuê bao Internet băng thông rộng đạt 87 thuê bao/100 dân. Đặc biệt, tỷ lệ hộ gia đình có khả năng tiếp cận dịch vụ Internet cáp quang băng rộng lên tới gần 90%. Đáng chú ý, tỷ lệ phủ sóng 4G, 5G đạt mức ấn tượng 99%, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Yên Bái.