Yên Bái thực hiện Luật Khoáng sản

Trong quá trình thực hiện Luật Khoáng sản trên địa bàn tỉnh cũng cho thấy một số khó khăn, vướng mắc, liên quan đến một số nhóm vấn đề chính, như: thuê đất trong hoạt động khoáng sản; quy định quy hoạch khoáng sản; quy định về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; quy định về đóng cửa mỏ khoáng sản; quy định về quyền lợi của người dân và địa phương nơi có khoáng sản được khai thác.

(Ảnh minh họa)

Triển khai thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, tỉnh Yên Bái đã hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản tại địa phương (quy định về quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh); ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành khác trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác (phương án bảo vệ khoáng sản, bảo vệ cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh; các quy chế phối hợp trong công tác quản lý khoáng sản, quản lý cát, sỏi lòng sông tại khu vực giáp ranh…); ban hành 5 kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tổ chức đấu giá thành công 16 khu vực; tổ chức tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (KTKS) cho 160 trường hợp thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh với tổng số tiền trên 419,7 tỷ đồng.

Ông Lê Công Tiến – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Luật Khoáng sản năm 2010 có nhiều nội dung đổi mới, tích cực hơn trước đây, như quy định về: đấu giá quyền KTKS không còn cơ chế xin cho, nộp tiền cấp quyền KTKS, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, về quyền lợi của người dân và địa phương nơi có khoáng sản được khai thác… Ngoài ra, còn quy định chặt chẽ hơn trong công tác quản lý, hoạt động khoáng sản.

Việc quy định chặt hơn trong công tác quản lý, hoạt động khoáng sản giúp cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng hơn trong việc triển khai, thực hiện các quy định, thuận lợi hơn trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, việc thực hiện đấu giá quyền KTKS, thu tiền cấp quyền KTKS góp phần tăng thu ngân sách nhà nước trong hoạt động khoáng sản.

Trong quá trình thực hiện Luật Khoáng sản trên địa bàn tỉnh cũng cho thấy một số khó khăn, vướng mắc, liên quan đến một số nhóm vấn đề chính, như: thuê đất trong hoạt động khoáng sản; quy định quy hoạch khoáng sản; quy định về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; quy định về đóng cửa mỏ khoáng sản; quy định về quyền lợi của người dân và địa phương nơi có khoáng sản được khai thác.

Theo quy định tại Điều 5 Luật Khoáng sản, Nhà nước và doanh nghiệp có trách nhiệm đối với quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác. Tuy nhiên, Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09/3/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản chưa quy định chi tiết Điều 5 của Luật.

Phải đến khi Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 được ban hành (thay thế Nghị định số 15/2012/NĐ-CP) các trách nhiệm này đã được quy định chi tiết tại Điều 15, Điều 16 nhưng lại rất khó thực hiện.

“Cụ thể là chưa quy định rõ trách nhiệm và sự phối hợp giữa Nhà nước, địa phương và doanh nghiệp trong đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương; quy định về hỗ trợ đối với người dân nơi có khoáng sản được khai thác còn chưa phù hợp với thực tế. Ví dụ, một công trình giao thông cần có sự tham gia của cả Nhà nước và doanh nghiệp nhưng lại quy định doanh nghiệp khai thác phải trực tiếp thực hiện. Một số nội dung chưa rõ ràng, khó triển khai thực hiện cũng như kiểm tra, kiểm soát, như chưa quy định mức hỗ trợ, phương thức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ” – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Công Tiến cho biết.

Đối với công tác quản lý các doanh nghiệp khai thác cát, sỏi còn gặp khó khăn, như về: diện tích, cắm mốc giới do loại hình khai thác trên sông nước rất khó xác định, việc kiểm soát hoạt động khai thác cát, sỏi theo đúng thiết kế là rất khó thực hiện do cát, sỏi lòng sông là loại khoáng sản có đặc thù riêng, hàng năm đều được bồi lắng, địa hình, thân khoáng thay đổi. Hiện nay, có các văn bản quy định riêng cho công tác quản lý cát, sỏi nhưng vẫn chưa giải quyết được các vấn đề này…

“Những khó khăn, vướng mắc này tỉnh đã tổng hợp, tham gia ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung cụ thể vào Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng” – ông Lê Công Tiến cho biết thêm.

Theo Báo Yên Bái

Bài viết mới nhất: