“Cuộc cách mạng” chuyển đổi số ở Yên Bái – Bài cuối: “Đi sau” nhưng “đuổi kịp, tiến cùng”

Yên Bái đã xác định đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số (CĐS) là một trong những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2025; là cơ hội để một tỉnh nghèo như Yên Bái dù “đi sau”, nhưng có thể “đuổi kịp, tiến cùng”, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh, thành phố khác…

Các đảng viên Chi bộ Văn phòng Trung tâm kinh doanh VNPT Yên Bái sử dụng nền tảng số “Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” trong các cuộc sinh hoạt của Chi bộ.

Tổng tấn công về chuyển đổi số

Văn Yên là địa phương tiên phong trong CĐS của tỉnh. Huyện đã phát động Phong trào “Tự hào tôi là công dân số”. Đây cũng là huyện đầu tiên trong tỉnh Yên Bái triển khai mô hình Tổ công nghệ cộng đồng trong phạm vi toàn huyện.

Đến nay, 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã thành lập tổ công nghệ cộng đồng cấp xã, cấp thôn với trên 320 thành viên tổ công nghệ cộng đồng cấp xã, 1.322 thành viên tổ công nghệ cộng đồng cấp thôn.

Đặc biệt, vừa qua huyện Văn Yên đã có cách làm “ngược” khi lựa chọn Khe Bành – thôn khó khăn nhất của xã Châu Quế Hạ để làm CĐS. Việc lựa chọn thôn khó khăn nhất để triển khai chương trình CĐS là thử thách cho xã Châu Quế Hạ.

Bà Lã Thị Liền – Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: “Văn Yên đa phần là các thôn, bản khó khăn. Để thúc đẩy phong trào CĐS, chúng tôi đã lựa chọn Khe Bành để thực hiện điểm CĐS. Chúng tôi cho rằng, nếu Khe Bành CĐS thành công sẽ là động lực cho tất cả các thôn, bản khó khăn cũng như vùng thuận lợi khác thực hiện CĐS thành công”.

Đến nay, Khe Bành đã có 85% số hộ dân trong thôn tham gia nhóm zalo thôn, các chi hội, đoàn thể của thôn cũng đã tạo lập nhóm zalo với 100% đoàn viên, hội viên tham gia; 15/15 đảng viên đều biết cài đặt, sử dụng nền tảng số “Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” phục vụ sinh hoạt chi bộ.

Chia sẻ cách làm về CĐS tại Yên Bái, ông Hoàng Minh Tiến – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh cho biết: Một là, với cách làm “từ trên xuống”, Yên Bái xác định năm 2022 là năm tổng tấn công về CĐS. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ CĐS theo hình thức trực tuyến tới 100% xã, phường, thị trấn; huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc CĐS. Năm 2022 cũng là năm mà Tỉnh ủy Yên Bái coi CĐS là 1 trong 3 nhiệm vụ chính trị trọng tâm, bên cạnh phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội và thu hút đầu tư.

Hai là, với cách làm “từ dưới lên”, Yên Bái đưa CĐS từ nhận thức thành hành động theo cách làm “từ dưới lên” thông qua việc triển khai các mô hình CĐS. Tập trung vào các công việc, địa điểm có tương tác nhiều với người dân, doanh nghiệp và những việc mang tính thay đổi căn bản nhận thức, thói quen trong hoạt động của các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước. Đến nay, Yên Bái có 10 mô hình CĐS đã triển khai, trong đó 6 mô hình đã phát huy hiệu quả.

Lãnh đạo huyện Văn Yên và xã Châu Quế Hạ kiểm tra việc thực hiện chuyển đổi số tại thôn Khe Bành.

Đáng mừng là đến nay, mô hình CĐS tại trường học, sổ tay đảng viên điện tử, tổ CĐS cộng đồng đều đạt và vượt chỉ tiêu so với kế hoạch được giao. Người dân trên địa bàn tỉnh bắt đầu được thừa hưởng những giá trị từ CĐS với các hoạt động phát triển mạnh như giao dịch điện tử trong thanh toán các dịch vụ điện, nước, truyền hình số, thuế, nộp học phí tại các trường học, thanh toán phí và lệ phí các thủ tục hành chính, sử dụng thẻ bảo hiểm y tế điện tử, sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CĐS trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: chưa phát huy rõ nét vai trò, sự vào cuộc của người đứng đầu trong công tác CĐS; chưa huy động tối đa sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân; nguồn nhân lực phục vụ thực hiện nhiệm vụ CĐS của tỉnh còn thiếu; các địa phương, đơn vị đa phần chưa bố trí công chức chuyên trách có trình độ chuyên môn phù hợp thực hiện nhiệm vụ CĐS; hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác CĐS đến tổ chức, cá nhân, người dân và doanh nghiệp chưa cao; kinh phí bố trí phục vụ nhiệm vụ CĐS của các địa phương, đơn vị còn hạn hẹp, chưa đồng bộ và kịp thời nên tiến độ triển khai các nhiệm vụ còn chậm…

Ưu tiên đưa người dân lên môi trường mạng

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Ban chỉ đạo CĐS tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn nhấn mạnh: “Xác định năm 2022 là năm ưu tiên đưa người dân lên môi trường mạng, vì vậy cần vận dụng khéo léo, linh hoạt công tác lãnh, chỉ đạo các tổ CĐS cộng đồng cấp xã, cấp thôn, câu lạc bộ CĐS tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng dân cư, tổ dân phố, hộ gia đình, các tổ chức, cá nhân chủ động, tích cực nâng cao các kỹ năng ứng dụng công nghệ số, nâng cao nhận thức về CĐS, tham gia sử dụng các dịch vụ công nghệ số. Yêu cầu 100% cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh gương mẫu đi đầu sử dụng các nền tảng số dùng chung của tỉnh, trở thành công chức số để dẫn dắt quá trình CĐS”.

Tỉnh cũng đưa ra lộ trình và các giải pháp cụ thể để thực hiện CĐS. Về phát triển hoàn thiện hạ tầng chính quyền số: duy trì, sử dụng hiệu quả mạng truyền số liệu chuyên dùng tại 100% các đơn vị sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã. Về xây dựng kinh tế số, chú trọng thu hút phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh.

Ông Hoàng Minh Tiến – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông:


CĐS là việc mới, việc khó, cần được cụ thể hóa, chia sẻ cách làm, con đường đi cho địa phương. Tôi đề xuất Bộ TT&TT tiếp tục có các hướng dẫn địa phương thông qua hình thức hội nghị trực tuyến, văn bản hướng dẫn, có kế hoạch đầu tư, xóa vùng “lõm” sóng và nâng cao tốc độ truy cập Internet theo chủ trương chung của Bộ; có cơ chế, chính sách cho các hộ nghèo, hộ chính sách, tổ CĐS cộng đồng tiếp cận, mua điện thoại thông minh, gói cước Internet với giá ưu đãi.

Thúc đẩy CĐS, định hướng phát triển mô hình kinh tế Internet/nền tảng mới, trong đó ưu tiên phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực: phát triển kinh tế số nông nghiệp; phát triển kinh tế số công nghiệp; phát triển kinh tế số du lịch; phát triển kinh tế số giao thông; phát triển kinh tế số tài nguyên và môi trường.

Về xây dựng xã hội số, Yên Bái phát triển và khai thác sử dụng hiệu quả nền tảng số trong công tác quản lý xã hội tại địa phương; tăng cường quảng bá bản sắc văn hóa, truyền thống lịch sử, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh; xây dựng con người Yên Bái “Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” trên không gian mạng, gắn với bảo đảm quốc phòng – an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Tạo điều kiện để các doanh nghiệp viễn thông xây dựng, phát triển hạ tầng mạng lưới, cung cấp dịch vụ mạng di động 4G/5G, đường truyền Internet tốc độ cao để thúc đẩy, tăng tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh của người dân; phấn đấu đến hết năm 2025, hầu hết các hộ gia đình có điện thoại thông minh; vận động, khuyến khích người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh thanh toán điện tử; có chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp cài đặt và sử dụng các ứng dụng tương tác với chính quyền.

Với mục tiêu đến năm 2025, Yên Bái đứng thứ 30/63 tỉnh, thành phố của cả nước về CĐS, tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ, huy động, bố trí nguồn lực hợp lý để triển khai với lựa chọn thông minh, lộ trình thông minh và giải pháp thông minh, phù hợp với điều kiện của địa phương để đạt hiệu quả cao nhất, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng đời sống xã hội và chỉ số hạnh phúc của người dân.

Đến hết tháng 6/2022, Yên Bái đã hoàn thành 14/38 mục tiêu CĐS. Đến nay, toàn tỉnh có 72/173 xã, phường, thị trấn đăng ký thực hiện các mục tiêu CĐS, chiếm tỷ lệ 41,6%. Trong đó: 69/72 xã, phường CĐS, 3/72 xã, phường CĐS nâng cao; 100% các xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố đã thành lập tổ CĐS cộng đồng với 10.851 thành viên tham gia. Yên Bái là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên trên cả nước (cùng Lạng Sơn, Thái Nguyên) thành lập 100% tổ CĐS cộng đồng cấp xã, cấp thôn, bản. Tỉnh đã tập trung đầu tư hạ tầng số dùng chung, phục vụ các nhiệm vụ CĐS trong toàn tỉnh.
Theo Báo Yên Bái

Bài viết mới nhất: